Đờn ca tài tử Nam bộ đã và đang được huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) quan tâm, chú trọng bảo tồn và gắn với phát triển du lịch. Qua đây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND huyện có chính sách hỗ trợ hàng tháng, đẩy mạnh xã hội hóa để các CLB hoạt động tốt hơn.
Tìm cách giữ lửa phong trào
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Ở mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có 1 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, từ 5 thành viên trở lên tham gia sinh hoạt định kỳ. Con số này tăng lên nhiều hơn so với trước khi đờn ca tài tử được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. Các CLB sinh hoạt đều đặn hàng tháng, thường xuyên giao lưu với các CLB trong và ngoài địa phương”.
Qua thời gian thành lập và phát triển, các CLB đờn ca tài tử trên địa bàn huyện Phụng Hiệp không chỉ là nơi để giao lưu, mà còn góp phần giúp các thành viên rèn luyện chuyên môn, hướng dẫn ca sao cho chuẩn, đờn cho hay, đồng điệu để nâng cao chất lượng.
Là một trong những CLB được thành lập sớm trên địa bàn huyện và hoạt động khá hiệu quả, ông Nguyễn Văn Mừng, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử xã Hòa Mỹ, tâm sự: “Được thành lập vào năm 2011, CLB ban đầu chỉ có 7 thành viên tham gia, nay số lượng hội viên chính thức đã có hơn 10 người. CLB còn thu hút được nhiều người say mê, nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật này tại địa phương, đến giao lưu thường xuyên. Không chỉ tham gia phục vụ văn nghệ vào các dịp lễ, ngày hội, sự kiện của địa phương, CLB còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân”.
Thành viên trong CLB đờn ca tài tử xã Hòa Mỹ đa phần là các cô, chú có độ tuổi từ 40-60 tuổi. Đều đặn, ngày 16 hàng tháng CLB sẽ tập trung sinh hoạt vào buổi tối, địa điểm được luân phiên tại nhà các hội viên. “Không chỉ tập trung vào chuyên môn, chúng tôi còn chú ý về trang phục biểu diễn, phong cách trình diễn để các tiết mục vừa gần gũi, vừa thể hiện nét đặc trưng của đờn ca tài tử. Dù hoạt động khá hiệu quả, nhưng theo tôi để các CLB đờn ca tài tử phát triển hơn nữa, đòi hỏi phải có sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ địa phương về kinh phí mua sắm trang thiết bị, kinh phí hoạt động. Để góp phần đưa phong trào đờn ca tài tử lớn mạnh, CLB cũng quan tâm phát triển thêm hội viên mới, nhất là hỗ trợ cho lực lượng trẻ”, ông Mừng chia sẻ thêm.
Gắn với phát triển du lịch
Cùng với khai thác thế mạnh, tiềm năng về nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, huyện Phụng Hiệp xác định phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt sẽ góp phần tạo sức hấp dẫn cho lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Trong đó, việc gắn các CLB đờn ca tài tử phục vụ tại các điểm du lịch, sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng.
Theo nghệ nhân ưu tú Lê Văn Xê (Út Xê), ở xã Thạnh Hòa: “Để xây dựng các CLB đờn ca tài tử, cần giữ đúng giá trị của loại hình này trong việc đi kèm với việc thưởng thức ẩm thực, ngắm cảnh. Nếu địa phương định hướng phát triển du lịch gắn với phục vụ đờn ca tài tử, sẽ rất hay và khá phù hợp khi mình tạo được một nét đặc trưng riêng mang đậm bản chất Nam bộ. Bởi các điểm du lịch trên địa bàn phần lớn giúp du khách trải nghiệm về với thiên nhiên, đi kèm với đó được nghe một bài vọng cổ cũng giúp họ cảm thấy thú vị và vương vấn hơn”.
Việc kết hợp đờn ca tài tử với du lịch, vừa góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, vừa nâng cao hiệu quả quảng bá nghệ thuật, sẽ góp phần thu hút khách du lịch hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nhận thấy đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào phát triển du lịch sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong đó, không chỉ thu hút khách đến tham quan trải nghiệm tại địa phương, mà còn giúp các CLB đờn ca tài tử phát huy hiệu quả. Xác định du lịch phải gắn với đờn ca tài tử, hiện chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND huyện có chính sách hỗ trợ các CLB hàng tháng, đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ thêm điều kiện để các CLB hoạt động”.
Bài, ảnh: An Nhiên