TP. HCM sẽ triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tập trung khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch của thành phố Thủ Đức và quận, huyện gắn liền với loại hình là thế mạnh của địa phương.
Sở Du lịch TP. HCM cho biết: Lượng khách quốc tế đến TP. HCM 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.941.267 lượt, tăng 306% so cùng kỳ năm 2022, đạt 39% so với kế hoạch năm 2023. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 16.415.438 lượt, tăng 48% so cùng kỳ năm 2022, đạt 46,9% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 50,5% so với kế hoạch năm 2023.
Để thu hút du khách, TP. HCM đã và đang triển khai các sản phẩm du lịch đặc trưng với tiêu chí mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời tích cực thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội thảo, khen thưởng), du lịch Golf…; nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến thành phố.
TP. HCM nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tăng hấp dẫn thu hút du khách. Ảnh: HĐ.
Theo đó, du lịch MICE đã thu hút được những đoàn khách quốc tế lớn từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... với khoảng 1.000 khách. Đặc biệt, Thành phố đã phát triển sản phẩm du lịch gắn kết với khai thác giá trị văn hóa lần đầu tiên, đó là chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - trụ sở HĐND và UBND TP.HCM đã tạo hiệu ứng tốt.
Lãnh đạo Sở Du lịch thành phố cho biết, qua nghiên cứu, ngành du lịch TP. HCM đã xác định được 5 yếu tố cốt lõi và xây dựng thương hiệu, chất lượng cũng như chiến lược truyền thông. Đồng thời, cũng tiến hành xúc tiến quảng bá du lịch thành phố, như quảng bá thương hiệu thành phố và các khu vực vùng ngoại thành. Công tác xúc tiến du lịch cũng đi cùng với nghiên cứu thị trường để doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng tập trung xây dựng cơ chế xúc tiến, quảng bá để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông đa phương tiện, phối hợp với các cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài để quảng bá bên cạnh việc quảng bá qua các kênh ngoại giao, nhân dân. Ngành du lịch cũng phối hợp với các ngành khác để tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu du khách.
Đối với phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của TP. HCM, ngành du lịch thành phố đề ra 8 nhóm giải pháp đang thực hiện đồng bộ. Đó là, phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng… Trọng tâm là phát triển sản phẩm cho du lịch thành phố.
Hiện ngành xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là văn hoá lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm. Bên cạnh đó, ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của thành phố như du lịch đường thuỷ, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm. Hiện nay, Sở Du lịch TP. HCM đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan lựa chọn các tuyến, xây dựng đề án phát triển du lịch của TP. HCM.
Ngành du lịch thành phố tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trong đó có du lịch đường thủy.
Đối với sản phẩm du lịch địa phương, Sở phối hợp tiếp tục phát triển các sảm phẩm gắn với văn hóa, tăng tính trải nghiệm cho du khách cũng như phát triển các ứng dụng để tăng cường quản lý dữ liệu số, quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch văn hóa. Đồng thời, tăng cường phối hợp các địa phương đầu tư, phát triển du lịch văn hóa của mỗi địa phương.
Theo Sở Du lịch TP. HCM, để thu hút du khách, trong tháng 8, TP. HCM sẽ tổ chức Lễ hội sông nước TP. HCM lần thứ nhất tại các địa điểm như: Cảng Sài Gòn (Cảng hành khách tàu biển), công viên Bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Bình Đông và các khu du lịch, điểm đến trên địa bàn. Đây cũng là chương trình thực cảnh đầu tiên của TP. HCM và lần đầu tiên câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn - Gia Định - TP. HCM được kể trong 5 chương nghệ thuật: Khẩn hoang - Mở cõi - Trên bến dưới thuyền - Hòn ngọc Viễn Đông - Rực rỡ TP.HCM bên sông.
Lễ hội sông nướcTP.HCM lần thứ nhất không chỉ quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa của TP. HCM mà còn khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển của thành phố, góp phần định vị thương hiệu của TP. HCM - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Trần Tùng