Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia mũi Cà Mau cho biết, trong tuần lễ đầu tiên của tháng 9 này, Vườn kết hợp với các lực lượng chức năng gồm: kiểm lâm, kiểm ngư, bộ đội biên phòng, công an và chính quyền xã Đất Mũi ra quân lập lại trật tự khu vực ven biển Vườn Quốc gia mũi Cà Mau từ cửa Ông Trang đến Vàm Xoáy, với chiều dài hơn 30km.
Khu vực cấm nghiêm ngặt này nằm trên vùng bãi bồi biển Tây Cà Mau vì nơi đây là rừng phòng hộ, bãi trú ngụ, sinh sản của các loài thủy sản để tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, bãi nghêu giống với diện tích hàng ngàn ha. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng xâm hại, khai thác "mỏ tôm - cá" đó diễn biến phức tạp, gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái.
Lực lượng chức năng tiến hành giải toả trắng các phương tiện, dụng cụ khai thác đánh bắt thuỷ sản trái phép trong khu vực cấm như: tháo dỡ đáy ngầm, nò, đó, lú bát quái, lưới mành hớt cua, cá giống... và cắm lại cột mốc, biển cấm. Vườn tăng cường công tác quản lý bảo vệ kết hợp với tuyên truyền, giáo dục cư dân cam kết không vi phạm khu vực ven biển Vườn Quốc gia mũi Cà Mau, vì đây là một phần của Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau vừa được UNESCO công nhận.
Để quản lý, khai thác có hiệu quả bãi nghêu, huyện Ngọc Hiển thành lập các hợp tác xã (HTX) sản xuất, khai thác nghêu nhằm tạo công ăn việc làm ổn định, chuyển đổi ngành nghề đối với những hộ dân chuyên làm các nghề khai thác nguồn lợi thủy sản ven biển, đồng thời đẩy lùi tình trạng đánh bắt tôm, cá mang tính hủy diệt tại vùng cấm bãi bồi biển Tây Cà Mau. Hiện có 5/15 HTX ở xã Đất Mũi được thành lập với hơn 3.500 xã viên tham gia sản xuất, nuôi nghêu và dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 15/15 HTX nuôi nghêu ở huyện Ngọc Hiển, với tổng diện tích nuôi nghêu hơn 2.100 ha.