Chiều 19/07, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn phối hợp với Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) tổ chức hội thảo công tác quản lý công viên địa chất ở Việt Nam trong tình hình mới.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo có các đại biểu đại diện: Vụ Ngoại giao Văn hóa - UNESCO (Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam); Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ban quản lý công viên địa chất các tỉnh Đắk Nông, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn; các chuyên gia, nhà khoa học về địa chất.
Hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Một số tỉnh trong đó có Lạng Sơn đang bước đầu xây dựng và phát triển công viên địa chất, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu. Các công viên địa chất tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong công tác bảo tồn, phát huy các loại hình di sản, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của địa phương và của Việt Nam trong cơ chế hợp tác đa phương.
Lãnh đạo Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng sơn phát biểu tham luận tại hội thảo
Tuy nhiên, thời gian qua các ban quản lý công viên địa chất tại Việt Nam cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển, quản lý và vận hành công viên địa chất.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá bộ máy quản lý, công tác quản lý công viên địa chất; đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hướng tới xây dựng một mô hình quản lý công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở Việt Nam thống nhất, hiệu quả.
Lãnh đạo Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) phát biểu tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu trình bày tham luận với các nội dung: mức độ phù hợp của hệ thống cơ sở pháp lý trong quản lý nhà nước đối với di sản địa chất, công viên địa chất ở Việt Nam; chia sẻ về mô hình các ban quản lý công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Non nước Cao Bằng (Cao Bằng), Đắk Nông (Đắk Nông); mô hình quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn theo khuyến nghị của nhóm chuyên gia tư vấn; một số mô hình ban quản lý công viên địa chất toàn cầu trên thế giới.
Bà Đỗ Thị Yến Ngọc, Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát biểu tham luận tại hội thảo
Thông qua hội thảo góp phần tăng cường hoạt động kết nối giữa các thành viên trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, qua đó từng bước xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả công viên địa chất. Đây cũng là dịp để tỉnh Lạng Sơn tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các tỉnh bạn trong xây dựng, phát triển công viên địa chất, hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Trước đó, ngày 18/07, Ban Quản lý công viên địa chất Lạng Sơn đã tổ chức đoàn khảo sát gồm đại diện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tiểu ban chuyên môn về công viên địa chất toàn cầu Việt Nam và đại diện ban quản lý công viên địa chất các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông đến tham quan trải nghiệm tại 4 tuyến du lịch vùng công viên địa chất Lạng Sơn.
Hoàng Hiếu - Tuyết Mai