Bảo tồn, phát huy văn học dân gian các dân tộc thiểu số ở Phú Yên

Cập nhật: 25/07/2023
UBND tỉnh Phú Yên vừa triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian (VHDG) của các dân tộc thiểu số (DTTS) đến năm 2030. Đề án này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc gìn giữ, phát huy các tác phẩm VHDG của các DTTS. Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai đề án này.

* Đồng chí có thể cho biết ý nghĩa và sự cần thiết của việc triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của các DTTS đến năm 2030?

- Cộng đồng các dân tộc ở Phú Yên phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 DTTS. Cộng đồng người đồng bào các DTTS chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa tỉnh nhà. Trong đó, VHDG các DTTS và VHDG dân tộc Kinh có mối quan hệ gắn bó, mật thiết, có sự giao lưu và chuyển hóa lẫn nhau đến mức có những trường hợp không thể tách rời. Do vậy, việc nghiên cứu VHDG các DTTS là rất cần thiết.

Việc tìm hiểu VHDG các DTTS còn thể hiện đường lối dân tộc và đường lối văn hóa văn nghệ của Ðảng ta. Đó là bình đẳng dân tộc, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam thống nhất và mang tính chất dân tộc phong phú.

Đề án này cũng khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm VHDG tiêu biểu của các DTTS. Đặc biệt là các tác phẩm, thể loại có nguy cơ mai một cao, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong cộng đồng các DTTS. Đề án được triển khai theo 2 giai đoạn: giai đoạn I từ năm 2023-2026; giai đoạn II từ năm 2027-2030.

* Một số nội dung, nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện đề án này?

- Để triển khai đề án có hiệu quả, đơn vị chủ trì là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT,DL) cần phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cho các tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền để bảo tồn và phát huy giá trị VHDG các DTTS; tổ chức khảo sát, sưu tầm, kiểm kê và lập danh mục thể loại VHDG truyền thống của các DTTS.

Sở VHTT,DL cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các tác phẩm VHDG đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của đồng bào DTTS.

Một hoạt động ngoại khóa về truyền dạy văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số cho học sinh tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: Ngô Xuân

Các địa phương có người đồng bào DTTS như huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa cần phối hợp tổ chức xây dựng chương trình truyền dạy, bồi dưỡng, tập huấn về VHDG các DTTS; tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị VHDG các DTTS trong các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng và các không gian diễn xướng, thực hành phù hợp.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả giáo dục, tuyên truyền, Sở GDĐT, Trường đại học Phú Yên cần nghiên cứu, lựa chọn các tác phẩm VHDG tiêu biểu của các DTTS đưa vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại trường học. Các địa phương liên quan cần tích cực hỗ trợ các nghệ nhân người DTTS truyền dạy VHDG cho thanh thiếu niên vùng đồng bào DTTS; gắn việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với bảo tồn ngôn ngữ các DTTS, đặc biệt là các ngôn ngữ có nguy cơ mai một.

* Triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị VHDG các DTTS đến năm 2030, UBND tỉnh đã đặt ra các mục tiêu cụ thể nào, thưa đồng chí?

- Trong giai đoạn 2023-2026, Phú Yên phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 40% tác phẩm VHDG các DTTS, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu số về VHDG các DTTS; 40% các tác phẩm VHDG các DTTS có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và VHDG các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; 50% công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, trưởng thôn, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị VHDG các DTTS; 40% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương người đồng bào DTTS đưa thể loại VHDG vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh.

Một buổi tập hát then kết hợp múa dân vũ của Câu lạc bộ Hát then xã Ea Ly, huyện Sông Hinh. Ảnh: Ngô Xuân

Trong giai đoạn này, tỉnh Phú Yên phấn đấu mỗi xã vùng DTTS hình thành được 3-5 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian để thực hành, biểu diễn; tổ chức một cuộc thi, phát động sưu tầm VHDG các DTTS trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức một hội thảo khoa học về công tác sưu tầm VHDG các DTTS cấp tỉnh.

Giai đoạn 2027-2030, Phú Yên nỗ lực hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể các thể loại VHDG các DTTS; sưu tầm, số hóa, xuất bản 80% các tác phẩm VHDG các DTTS. Phấn đấu 80% các tác phẩm VHDG các DTTS có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; 80% tác giả, nghệ nhân được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; 80% công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, trưởng thôn, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị VHDG các DTTS; 80% trường dân tộc nội trú và các cấp trường vùng đồng bào DTTS đưa thể loại VHDG vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh.

Giai đoạn này, Phú Yên phấn đấu mỗi xã vùng DTTS hình thành 8-10 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian để thực hành, biểu diễn; tổ chức một cuộc thi, cuộc phát động sưu tầm VHDG của các DTTS trên phạm vi toàn tỉnh.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Ngô Xuân (thực hiện)

Nguồn: Báo Phú Yên - baophuyen.vn - Đăng ngày 25/07/2023