Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị sông nước với hệ thống các dòng sông uốn quanh, ôm lấy thành phố. Đây chính là bản sắc, tài nguyên quý giá mà thành phố có được.
Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sẽ diễn ra trên sông Sài Gòn tại Lễ hội sông nước sắp tới.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, nguồn tài nguyên này chưa được tập trung khai thác một cách hiệu quả để phát triển toàn diện, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh có đường bờ biển dài 23 km và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc.
Trong đó, sông Sài Gòn là sông lớn nhất, có 80 km chảy qua địa bàn thành phố, là nơi có thể tiếp nhận các tàu biển và các tàu du lịch lớn, có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, đường thủy nội đô, cũng như các tuyến đường sông kết nối với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nước bạn Campuchia.
Tuy nhiên, giá trị sông nước trong thời gian qua vẫn chưa được phát huy hiệu quả, chưa được quy hoạch, khai thác đúng tầm.
Nhằm đánh thức tài nguyên sông nước, thành phố đã bắt đầu có những hành động cụ thể để sớm khai thác hiệu quả du lịch đường sông. Đáng chú ý là vào đầu tháng 8 tới, thành phố sẽ tổ chức Lễ hội sông nước ngay bên dòng sông Sài Gòn và hệ thống các con kênh chính của thành phố như kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tàu Hủ-Bến Nghé...
Đây là lần đầu thành phố có lễ hội tập trung vào khai thác thế mạnh sông nước với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn. Trong ba ngày diễn ra, Lễ hội sông nước sẽ có nhiều hoạt động thể thao trên sông Sài Gòn, nhiều không gian trưng bày tái hiện cảnh trên bến, dưới thuyền tại kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tàu Hủ-Bến Nghé...
Đặc biệt, một chương trình thực cảnh về dòng sông Sài Gòn hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc mới mẻ. Có thể nói, lễ hội là sự kiện quảng bá thế mạnh du lịch đường sông quy mô nhất của thành phố từ trước đến nay, hy vọng sẽ mở ra bước phát triển mới cho du lịch thành phố.
Thế nhưng, để phát triển du lịch đường sông một cách bền vững, hiệu quả, đòi hỏi thành phố phải có quy hoạch tổng thể, hài hòa về phát triển giá trị sông nước, nhất là ở khu vực ven sông Sài Gòn.
Gần đây, thành phố đã cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực như Bình Dương, Đồng Nai... có những cuộc làm việc để thống nhất về quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Sài Gòn sao cho mỗi tỉnh đều có thể phát huy được lợi thế mà không ảnh hưởng đến môi trường, cản trở sự phát triển của nhau.
Cùng với đó, chuyến đi học tập kinh nghiệm phát triển đường sông của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tại nước Pháp vừa qua cho thấy, sự quyết tâm của thành phố trong việc đánh thức tiềm năng sông nước vốn đã ngủ yên quá lâu. Với khát vọng đánh thức giá trị của một đô thị sông nước, hy vọng về sự khởi sắc du lịch đường sông của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn xa.
Bảo Linh