Vườn quốc gia Cúc Phương được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á 2023".
Như vậy đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã 5 lần liên tiếp nhận giải thưởng danh giá này (từ năm 2019-2023). Năm nay, các đại diện khác cùng tranh cử với Vườn quốc gia Cúc Phương gồm có: Vườn quốc gia Chitwan (Nepal), Fuji-Hakone-Izu (Nhật Bản), Kinabalu (Malaysia), Komodo (Indonesia), Minneriya (Sri Lanka) và Taman Negara (Malaysia).
Theo Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ (Vườn quốc gia Cúc Phương), đây là giải thưởng uy tín và danh giá, được ví như giải “Oscar của ngành Du lịch”. Qua đó, tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của du lịch sinh thái - một trong những loại hình du lịch trọng điểm của ngành du lịch Việt Nam.
Với giá trị phong phú của hệ động thực vật, VQG Cúc Phương trở thành điểm đến du lịch sinh thái gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn.
Vườn quốc gia Cúc Phương cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía nam, nằm trong lòng dãy núi Tam Điệp và là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Vườn được thành lập ngày 07/7/1962, nằm trên địa bàn 14 xã, 4 huyện thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa với diện tích hơn 22.000 ha. Đây là rừng mưa nhiệt đới xanh quanh năm.
Vườn chứa hệ giá trị đa dạng sinh học quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam. Tính đến nay đã ghi nhận gần 2.500 loài thực vật, trong đó có 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương...
Đây cũng là nơi sinh sống của 138 loài Thú, 337 loài Chim, 80 loài Bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài Cá, trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 3 loài đặc hữu là sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá Niết Cúc Phương và thằn lằn tai Cúc Phương. Về động vật không xương sống, vườn có 1.899 loài khác nhau.
VQG tổ chức nhiều chương trình và sản phẩm có trách nhiệm với môi trường như hành trình hồi sinh, tour "Về nhà".
Với sự đa dạng về hệ động, thực vật trên cùng bề dày của công tác quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, Vườn quốc gia Cúc Phương đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn tại Vườn. Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm có trách nhiệm với môi trường như hành trình hồi sinh, tour "Về nhà" dành để chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã; trại hè "Lớn lên cùng đại ngàn" để giáo dục, nâng cao ý thức và tình yêu thiên nhiên tới các thế hệ học sinh, sinh viên... Đặc biệt, tour du lịch trải nghiệm "Về nhà" được các chuyên gia đánh giá là Top 10 du lịch độc đáo tại Việt Nam.
Ngoài ra, khi đến với Vườn quốc gia Cúc Phương, du khách có cơ hội trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như dân tộc Mường ở các bản Khanh, bản Nga, bản Sấm, cùng hòa mình với những điệu múa, điệu hát truyền thống bên lửa trại bập bùng, du khách sẽ cùng múa, cùng ca hát với các cô gái Mường xinh đẹp, vui vẻ đón khách du lịch.
Lê Dương