Ngày ngày, từ 3 đến 4 giờ sáng, hơn 100 công nhân vớt rác nổi tại TPHCM phải lục đục dong thuyền ngược xuôi trên những con kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Nhiêu Lộc, Thị Nghè… dùng tay, vợt, móc câu vớt hàng trăm loại rác thải.
Trong khi đó, trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), sông Hương (TP Huế), sông Hàn (Đà Nẵng), sông Tô Lịch (Hà Nội)… người công nhân chỉ cần ngồi trên xuồng vớt rác (được mua về từ TPHCM) gạt cần, ấn nút, để vớt rác.
Nội thành TPHCM hiện có 5 hệ thống kênh rạch chính, với tổng chiều dài 76km, bao gồm: Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tân Hóa – Lò Gốm; Tàu Hũ – Kênh Đôi; Kênh Tẻ – Bến Nghé; Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật. Hệ thống kênh rạch này cùng với sông Sài Gòn (khoảng 38km) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thoát nước từ nội thành. Tuy vậy, những dòng kênh ấy đang ngày ngày phải hứng chịu hàng trăm tấn rác xả ra từ các hộ dân, các tàu ghe neo đậu, các điểm mua bán dừa, các cửa xả thoát nước thải…
Hơn 10 năm qua, Công ty Môi trường đô thị TPHCM và Công ty Dịch vụ công ích quận 8 là hai đơn vị đảm trách công tác vớt rác tại 5 hệ thống kênh rạch nói trên, với 540.436m2 mặt nước. Ngày ngày, các công nhân vớt rác phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để tới điểm tập trung tại các bờ kênh chuẩn bị liềm, móc câu, vợt… Đúng 4 giờ 30 phút (kể cả ngày nghỉ lễ), họ xuống thuyền tỏa ra làm việc. Các loại rác nổi phân tán trên diện rộng, hầu hết di chuyển liên tục theo con nước, nên việc thu gom gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các công nhân ở đây, việc các anh đang làm chẳng khác nào “dã tràng se cát”, vớt xong, lúc quay lại rác vẫn ngập đầy mặt kênh. Vậy nên dù huy động tới 32 xuồng, 117 công nhân làm việc ngày đêm, lượng rác trên các kênh rạch vẫn không được làm sạch. Số lượng rác tăng lên chóng mặt, năm 2000 vớt hơn 11 tấn rác/ngày đến nay đã vượt xa con số 40 tấn/ngày.
Trước yêu cầu cấp bách thu gom rác thải trên các cửa sông, kênh rạch ô nhiễm tại TPHCM, năm 2001 Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - Samco đã nghiên cứu, sản xuất thành công xuồng vớt rác trên sông. Sản phẩm do Xí nghiệp Cơ khí ô tô An Lạc (thuộc Samco) thiết kế, chế tạo, có vẻ ngoài gọn nhẹ, đơn giản, với rất nhiều tính năng nổi trội: vớt rác nhanh, tải trọng lớn (1,5 – 3 tấn), không bị ảnh hưởng bởi sóng mặt nước, tiết kiệm nhân lực đáng kể… TPHCM là địa phương đầu tiên đưa xuồng vớt rác nổi sử dụng vào năm 2003, nhưng đến nay những chiếc xuồng này phải “nằm bờ”.
Theo kỹ sư Đặng Quế Hùng, Trưởng Xí nghiệp Cơ khí ô tô An Lạc, do hệ thống kênh rạch tại TPHCM bị lấn chiếm nghiêm trọng, rác thải một phần tụ lại ven bờ, trong các gầm nhà, hay các cọc đóng xuống lòng kênh và còn nhiều cầu thấp… khiến các xuồng vớt rác không thể tiến sát vào khu vực có rác sát bờ để làm việc. Chiếc xuồng khi đó động cơ còn yếu, nặng nề (thân bằng sắt, bọc nhựa), khó di chuyển, hiệu quả còn thua phương pháp thủ công. Hiện nay, chiếc xuồng do Samco chế tạo đã sử dụng vật liệu nhẹ hơn, máy mạnh hơn, dễ điều khiển hơn… Đồng thời, Samco sẵn sàng nghiên cứu, cải tiến xuồng vớt rác nổi để giảm chiều cao của xuồng (có thể lắp ghép khi qua cầu) để phù hợp với tình trạng kênh rạch TPHCM nhiều cầu thấp.
Vấn đề cơ chế cũng đang làm công tác vớt rác trên kênh rạch bị ngưng trệ. Từ 1-1-2009 đến nay, khi Quyết định 88/2008/QĐ-UBND quy định thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn TPHCM chính thức có hiệu lực, các quận, huyện phải chủ động cân đối ngân sách cho công tác thu gom rác, xây dựng đề án cụ thể để vớt rác trên kênh (nếu có kênh rạch chạy qua). Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, nên các địa phương không thể “kham” nổi việc vớt rác trên kênh rạch. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM cho biết, từ đầu năm 2009, UBND TPHCM đã có công văn ngưng việc cấp kinh phí cho công tác thu gom rác nổi, vì vậy đội thu gom rác trên kênh rạch của công ty với nhiều máy móc, thiết bị và con người phải dừng hoạt động từ đầu năm tới nay…
Đáng nói hơn, trong khi TPHCM là nơi khai sinh ra xuồng vớt rác trên sông rồi cho “nằm bờ” thì nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, TP Nha Trang, Đà Nẵng, TP Hà Nội… đặt hàng và sử dụng rất hiệu quả.
Trước vấn đề này, thiết nghĩ các cơ quan quản lý về môi trường, khoa học công nghệ cần nhanh chóng tìm giải pháp hỗ trợ kinh phí; mau chóng cải tiến phương tiện thu gom, bởi việc vớt rác nổi trên kênh rạch cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng máy móc chuyên dụng.