Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng để phát triển hiệu quả hơn du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP. Kinh nghiệm từ mô hình các tỉnh bạn cho thấy, điều cốt lõi là cần có giải pháp thực hiện, phối hợp đồng bộ để cùng lúc tạo được hiệu quả cả về mặt kinh tế, tạo sinh kế cho người dân bền vững hơn cũng như nâng tầm giá trị, quảng bá và lan tỏa hiệu quả về văn hóa.
Khảo sát mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Từ Quảng Bình
Tham quan mô hình tại Chày Lập Farmstay (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi khá bất ngờ với những thông tin được người quản lý nơi đây giới thiệu. 41 phòng, bao gồm 14 phòng Farm là những căn nhà nổi với thiết kế độc đáo, 11 phòng Garden có vườn cây bao quanh tạo bên không gian thoáng mát và 16 phòng Mountain nhìn ra hướng núi tuyệt đẹp đa phần luôn có khách đặt trước. Với mức giá từ hơn 1,1 triệu/đêm, thậm chí là 1,8 triệu đồng trở lên, nhưng khách vẫn sẵn sàng chi tiền để nghỉ dưỡng, trải nghiệm, có khi phải đặt trước dài ngày.
Bà Lê Thị Hải Yến, Giám đốc Sales Khu nghỉ dưỡng Chày Lập Farmstay cho biết, Chày Lập Farmstay đặc biệt chú trọng mô hình lưu trú đề cao trải nghiệm gắn với dịch vụ miễn phí, gồm: Bữa sáng hàng ngày; trà, cà phê và nước uống; 2 giờ đi xe đạp/khách/ngày; 1 giờ miễn phí chèo thuyền kayak/khách/ngày; hồ bơi; trải nghiệm câu cá cùng các phiếu giảm giá 10% các trò chơi dưới nước. Kênh bán hàng trực tiếp vẫn là ưu thế, thu hút khoảng 50% lượng khách, sau đó mới đến các kênh bán tour sản phẩm du lịch qua mạng, website, kết nối các đơn vị lữ hành. Một điều đặc biệt chú ý là cần phát triển loại hình này gắn với xu hướng, “gu” của khách. Cũng nhờ đó, khách quay lại hàng tháng, hoặc vài tháng một lần là chuyện phổ biến.
Trải nghiệm các sản phẩm du lịch ở sông Chày - hang Tối (Quảng Bình)
Không riêng gì Chày Lập Farstay, mà nhiều điểm khác cũng nườm nượp khách, trong đó có sông Chày - Hang Tối, Công viên OZO Quảng Bình… Điểm đặc biệt là người làm du lịch nơi đây ưu tiên sự tham gia của cộng đồng gắn với các đặc trưng văn hóa địa phương; điểm du lịch dựa vào thiên nhiên để tạo ra các trải nghiệm lý thú cho khách.
Qua các mô hình của tỉnh bạn, đại diện các doanh nghiệp, chủ cơ sở homestay, hợp tác xã dịch vụ du lịch, hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cho rằng, Thừa Thiên Huế cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP như các mô hình của tỉnh bạn. Nhưng thời gian qua, tính hiệu quả các điểm đến chưa đạt kỳ vọng, thậm chí có mô hình thất bại.
Anh Huỳnh Tấn Phấn, chủ một nông trại ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thuỷ chia sẻ: “Xét về quy mô diện tích, địa thế và các yếu tố liên quan, rõ ràng tại địa phương có thể không quá thua kém, thậm chí có thể tận dụng vườn thanh trà sẵn có để tạo các điểm check-in, trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu những tháng cao điểm có thể đón trên 2.000 lượt khách/tháng đến trải nghiệm thì như thời điểm hiện tại lại vắng khách. Cái khó vẫn là sức hút và tính bền vững. Khi mô hình hút khách, mới tạo điều kiện để tiếp tục đầu tư hơn. Từ Quảng Bình cho thấy, tại xã Dương Hòa, có thể làm các mô hình cắm trại camping và tổ chức thêm các trò chơi trên mặt nước”.
Học tập cách làm hiệu quả
Thừa Thiên Huế có thế mạnh về du lịch di sản văn hóa và nguồn tài nguyên phục vụ du lịch hết sức đa dạng. Song, một số mô hình du lịch cũng cần phải đầu tư, nghiên cứu để tiếp tục tạo ra hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ tỉnh năm 2023, Sở Du lịch tổ chức các chương trình khảo sát, học tập các mô hình du lịch trong đó có mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP. Những chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lý và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch OCOP, khâu giải quyết các vướng mắc về thủ tục là cơ sở giúp các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch nghiên cứu áp dụng phù hợp thực tiễn.
Trên những đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn, cần khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê - gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.
Theo các chuyên gia, du lịch nghiệp nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng vùng nông thôn (bản làng, nhà truyền thống), các thiết chế văn hóa làng (đình, đền, giếng nước...), các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông...) gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa và các hoạt động sinh hoạt sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư. Đây là điểm mà du lịch Cố đô có thể khai thác.
Chuỗi giá trị trong du lịch nông thôn phải đến được những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp (hộ dân kinh doanh du lịch, doanh nghiệp kết nối) và những người hưởng lợi gián tiếp (nông dân tham gia vào cung cấp sản phẩm nông nghiệp trong du lịch, những người có tay nghề, chuyên môn trong việc tạo ra các sản phẩm trong du lịch nông thôn...). Tuy nhiên, cần “bàn tay” của doanh nghiệp hợp lực với người dân, từ khâu đào tạo đội ngũ, lên thực đơn ẩm thực, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch hay sáng tạo các trải nghiệm.
Bài, ảnh: Hữu Phúc