Quận Tư, cái cù lao nằm giữa trung tâm Sài Gòn - TP.HCM, trong một ngày mưa làm cho tôi bất giác dịu lòng, nhìn ngắm phố trong cảm xúc của một người thân thấy gì cũng thương.
Trời Sài Gòn mùa này lúc nào cũng sũng ướt từ đám mây mang hơi nước đến những cơn mưa không đầu nguồn cuối ngọn. Từ một cơn mưa kiểu ào tới rồi ào đi, tôi đã tấp vội vào một quán café có không gian khá chill nằm gần ngay Bến Nhà Rồng. Mưa đã tạnh, nhưng hình như tôi đang để mình vương đâu đó vào những hồi ức về mảnh đất như cái cù lao tam giác, xung quanh đều là sông và kênh rạch giữa Sài Gòn mang tên Quận Tư, cái quận mà tiếng dữ tiếng lành từ thời lập phố lập quận đến nay đã như một “định danh” rất riêng, nhưng với tôi lại có nhiều cảm xúc rất khó gọi tên.
Biết bắt đầu từ đâu, chắc là từ tháng 6/1975 khi tôi lần đầu được ngắm Bến Nhà Rồng, một bến tàu cổ xưa từ thời Pháp thuộc địa gần hai trăm năm trước, từng là trụ sở của hãng vận tải Messageries Maritimes tại Sài Gòn từ năm 1864 đến năm 1955. Địa danh này gắn với lịch sử “Người đi tìm hình của nước”- nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành, lầy tên Văn Ba, đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville rời bến ngày 5/6/1911, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm.
Bến Nhà Rồng lung linh về đêm
Và sau đó là rất nhiều cuộc khám phá các địa danh “vang bóng một thời” của Quận Tư như: Kho 5, khu Hai nươi thước, hẻm 148 Tôn Đản, xóm Oxi Gạch, xóm Dừa, hẻm chùa Giác Quang, hãng Phân, xóm Dừa, khu sân banh Gò Mụ, Viện Bài Lao, hẻm Hiệp Thành… qua các tác phẩm sân khấu nổi tiếng vào thời đó: “Một đi không trở lại”, “Chịu chơi chơi tới cùng”, “Xa quê hương nhớ mẹ hiền”…, từ các băng cassette, Akai- Magnetic… Cho đến thực địa với một sự háo hức chen hồi hộp rất thú vị, giống như đi thám hiểm vùng đất kỳ lạ che giấu nhiều bí mật.
Rồi duyên sao tôi làm dâu Quận Tư, nơi xóm Công nhân Cảng Sài Gòn, và là hàng xóm với gia đình người sinh viên yêu nước Nguyễn Thái Bình nổi tiếng quốc tế thời chiến tranh… Và Quận Tư trở thành một nơi tôi đi đi về về thường xuyên, để những ngày cuối tuần tôi lại kiếm cớ đi dọc đi ngang ngó ngó nghiêng nghiêng tìm hiểu cái quận ven sông Sài Gòn này.
Quận Tư được hình dung như cù lao tam giác, phía đông giáp TP. Thủ Đức - qua sông Sài Gòn và Quận 7 - qua kênh Tẻ, phía tây giáp Quận 1 và Quận 5 với ranh giới là kênh Bến Nghé, phía nam giáp Quận 7 và Quận 8 với ranh giới là kênh Tẻ, phía bắc giáp Quận 1 với ranh giới là kênh Bến Nghé.
Ngày xưa, từ khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, lập phủ Gia Định (1693-1698), vùng này là đất Khánh Hội được hình thành bởi Khánh Hội, Vĩnh Hội, Cây Bàng, Xóm Chiếu, cù lao Nguyễn Kiệu, có nhiều tên gọi: Tam Hội, Khánh Hội, Khánh Hoà, Khánh Bình, Bình Ý, Tân Vĩnh, Vĩnh Khánh … thuộc tổng Dương Hoà, huyện Tân Bình. Địa danh Quận Tư được dùng từ năm 1959 cho đến nay.
Cầu Mống
Lần theo lịch sử, trong các bản quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn từ tháng 6/1923 của kiến trúc sư Hébrard, rồi của hai kỹ sư Pugnaire và Cerutti từ 1945-1954 đều không nhắc gì đến Quận Tư, chỉ nhấn mạnh nơi cù lao này là hải cảng. Từ sau 1954, nơi này trở thành “nhà” của rất nhiều người vô gia cư, dân lao động nghèo, cả dân bất hảo tứ xứ tụ về, đi cùng là bao nhiêu tệ nạn xã hội phức tạp, nhiều “đại ca” giang hồ Sài Gòn xuất thân từ đây, biến nơi này thành một quận “đất dữ” đầy tai tiếng.
Nhưng từ sau 1975, nhất là khoảng 15 năm trở lại đây, Quận Tư đã mất tiếng “đất dữ” và trở thành “đất lành” với nhiều thiện cảm, thậm chí trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách một khi đến Sài Gòn - TP.HCM. Quận Tư bây giờ mang đến những trải nghiệm độc đáo lưu vào bộ nhớ như một bảo tàng “sống” về những công trình: Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh, cầu Mống, trụ sở nước mắm Liên Thành, Đình Vĩnh Hội, Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà số 236 bến Vân Đồn…
Thú vị nhất có lẽ là những cây cầu nối Quận Tư với các quận trung tâm thành phố, mà mỗi cây cầu mang vẻ đẹp mới như một trung chuyển sinh động: Cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ uốn lượn mềm mại bắc qua rạch Bến Nghé; Cầu Kênh Tẻ cùng cầu Tân Thuận 1 và 2 nối liền Quận Tư với khu vực phía Nam, sang Quận 7 và huyện Nhà Bè.
Cầu Khánh Hội
Đặc biệt nhất là cây cầu Khánh Hội cạnh Bến Nhà Rồng như một chuyển tiếp giữa Quận Tư với phường Bến Thành - Quận Nhất, như một đường liên kết những phồn hoa náo nhiệt từ ba đại lộ Hàm Nghi - Lê Lợi - Nguyễn Huệ nối dài rực rỡ bất tận cùng những con đường Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu - Khánh Hội - Bến Vân Đồn - Tôn Đản - Đoàn Văn Bơ…
Hơn 30 năm nay, như một thói quen, mỗi mùa Tết, tôi thường đi chợ Bến Vân Đồn để mua sắm vật dụng cho việc nấu ăn ba ngày Tết và bày mâm cúng rước ông bà. Không chỉ là hàng hóa đều tưoi ngon vì toàn từ miền Tây theo sông cập bến đổ hàng, mà còn rất rẻ. Vâng! Chỉ qua một cây cầu, cũng thứ hàng đó ở chợ Bến Thành hay Chợ Cũ mắc gấp đôi gấp ba.
Đến với Quận Tư, đừng bao giờ bỏ lỡ thưởng thức các món ăn ngon. Quận Tư có cả cảng biền quốc tế, bến thuyền sông, nên thế giới ẩm thực Quận Tư được ví von “cả thế giới tụ hội”. Từ khu phố ẩm thực Vĩnh Khánh, đường Tôn Đản, Chợ 200, theo danh mục của bản đồ du lịch có ít nhất gần 30 quán ăn ngon nổi tiếng của Sài Gòn nằm ở Quận Tư, với đủ cả hương vị Á - Âu - Việt.
Không chỉ cuối tuần các hàng quán mới đông khách, mà ngày thường bắt đầu hoàng hôn buông trên sông Sài Gòn, các ngôi nhà cao tầng cùng bật đèn lung linh, cũng là lúc Quận Tư “quần anh hội” tụ về ăn uống náo nhiệt, bao nhiêu món ngon nhân gian cùng cống hiến mỹ vị cho các thực khách bốn phương.
Quán Ba Chấm với hủ tiếu là chủ đạo: Hủ tiếu hồ, hủ tiếu hồ sườn, hủ tiếu mực, hủ tiếu cá, hay hủ tiếu Tứ uyên. Quán nướng Chilli đặc biệt với món hàu nướng tự chọn 25 vị khác nhau. Quán Uchi Sushi mang phong cách Nhật như cơm cuộn, sashimi, sushi, rong biển, súp miso..., không chỉ là thưởng thức hương vị mà còn là mãn nhãn khi ngắm cách bày biện các món ăn, giống tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.
Quán Bangkok BBQ buffet thưởng thức những món nướng với sự pha trộn tinh tế giữa vị chua, cay, ngọt, mặn, thêm vài món “đậm chất Thái” như súp tôm cua, cánh gà chiên, nghêu hấp sả, cơm chiên, ốc bươu chấm muối tiêu xanh, tráng miệng bằng món nước é hoặc các thạch trái cây.
Các quán ăn “thuần Việt” cũng rất đa dạng. Quán Bà Cô Lốc Cốc ấn tượng bởi các món ốc cực kỳ tươi ngọn: ốc muổng, ốc hương, ốc tỏi, ốc củ măng, sò huyết, hàu,.. Hay quán Ốc Giàu có càng ghẹ, sò huyết, ốc hương, ốc bươu,… xào, nướng, rang muối. Hết mặn tới ngọt có quán Thi Thi Chè, thiên đường của các loại chè, còn có rau câu, bánh flan, panna cotta, nước ép, sinh tố…
Ngay cả khi cuộc sống đô thị tất bật, không thể một chốc một lát mà về quê đặng ăn cơm má nấu, có thể ghé một cái quán mang tên cực kỳ cảm xúc “Ơ Thương”, không chỉ ngon từ hương vị, chất lượng mà còn được bày biện rất đẹp mắt, rất gần gũi thân thuộc, chuẩn một bữa cơm má nấu…
Quận Tư, cái cù lao nằm giữa trung tâm Sài Gòn - TP.HCM, trong một ngày mưa làm cho tôi bất giác dịu lòng, nhìn ngắm phố trong cảm xúc của một người thân thấy gì cũng thương. Ừ, mong sao cái cù lao mang tên Quận Tư này sẽ ngày càng đẹp, càng “lành” để là điểm dừng chân gây nhớ cho bất kỳ ai ghé đến đây, để đã đi qua lại mong trở lại một lần, hai lần, và nhiều lần.
Mới đây, Sở Du lịch TP. HCM phối hợp cùng UBND Quận 4 giới thiệu sản phẩm du lịch “Quận 4 - Cù lao giữa lòng phố thị”. Du khách sẽ được tham quan Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh, cầu Mống, trụ sở nước mắm Liên Thành, Đình Vĩnh Hội, Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà số 236 bến Vân Đồn, phường 5 và du ngoạn trên sông Sài Gòn. Theo bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND Quận 4, quận có diện tích nhỏ, bốn bề bao quanh bởi sông nước, song lại là quận có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Trong đó có các công trình như: Bảo tàng Hồ Chí Minh trên bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn - từng là cảng lớn nhất nước. Bên cạnh đó, phố ẩm thực Vĩnh Khánh, các tuyến đường tập trung dịch vụ ẩm thực như đường số 48, đường Tôn Đản, Chợ 200, tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn... từ lâu thu hút rất đông du khách.
Hoài Hương