Nhắc đến du lịch Tuyên Quang, không thể không nhắc đến sự độc đáo và giàu bản sắc văn hóa dân tộc từ các Làng văn hóa du lịch. Đây được xem là điểm nhấn của du lịch vùng cao, khi bản thân nó chứa đựng đầy đủ nét văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư.
Nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống
"Đây là ngôi nhà truyền thống của người Dao Tiền ở Hồng Thái (Na Hang). Khác với những dân tộc khác, bếp của người Dao Tiền không được làm riêng mà đặt ngay trong nhà. Là vì ở Hồng Thái nhiệt độ khá thấp, lại có sương phủ quanh năm, nên bếp lửa trong ngôi nhà vừa có thể giúp làm ấm không gian, vừa giúp làm giảm mối mọt" - Trưởng thôn Khau Tràng Bàn Văn Khoải giới thiệu với khách du lịch như thế.
Khau Tràng chủ yếu là đồng bào Dao Tiền. Tháng 9 này, ngôi làng chính thức đón nhận quyết định trở thành Làng văn hóa du lịch sau nhiều năm nỗ lực theo đuổi mục tiêu đưa du lịch đến với vùng đất xa xôi này.
Ở Khau Tràng, ngoài những ngôi nhà gỗ lợp mái ngói âm dương đã trở thành biểu tượng, thì nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Dao Tiền vẫn được đồng bào nơi đây gìn giữ và bảo tồn. Như nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong, lễ cấp sắc của người Dao Tiền... Trưởng thôn Khau Tràng Bàn Văn Khoải cho biết, người dân Khau Tràng hiện cũng đang xây dựng nhiều hoạt động để níu chân du khách, như trải nghiệm cùng cấy lúa trên ruộng bậc thang, thu hoạch lê hay săn mây mùa thu.
Khách du lịch được trải nghiệm dịch vụ ngâm chân thuốc bắc khi đến với Làng văn hóa du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) là Làng văn hóa du lịch được hình thành sớm nhất ở Tuyên Quang. Gây ấn tượng với khách du lịch bởi vẻ đẹp yên bình, mộc mạc và gần như không chịu tác động của quá trình đô thị hóa, khách du lịch đến đây có thể tìm hiểu nhiều sự kiện gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhiều địa điểm, di tích vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn và trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống của cả nước.
Một trong những điều đặc biệt mà gần như sẽ không được trải nghiệm ở bất cứ đâu khi du khách đến với Làng văn hóa du lịch Tân Lập là được nghe chính những người cao tuổi trong làng kể những câu chuyện huyền thoại về Bác Hồ kính yêu, về không khí hào hùng và tình cảm sắt son của người dân nơi đây trong những năm tháng đấu tranh chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành quyền cách mạng tháng Tám của dân tộc. Cụ Hoàng Ngọc, được mệnh danh là "người giữ sử" ở Tân Trào tự hào, khi những câu chuyện lịch sử được rất nhiều khách du lịch thích thú, ghi chép lại.
Không chỉ được sống lại những ký ức hào hùng một thời gian khó, khách du lịch đến với Tân Lập còn được trải nghiệm nhiều hoạt động như tự tay hái chè, chứng kiến và tham gia từng công đoạn chế biến chè và được mua các sản phẩm chè ngon, an toàn sao thủ công theo phương thức truyền thống; cùng làm các món ăn truyền thống như: cơm lam, xôi ngũ sắc, bánh trứng kiến, nộm rau rớn; ngâm chân thuốc bắc hay bơi mảng, nghe hát then, đàn tính trên hồ Nà Nưa, tái hiện lại các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào người dân tộc Tày để du khách có dịp tham gia, trải nghiệm như đi cà kheo, leo cầu vồng, bắt trạch trong chum, tung còn, giã gạo, kéo co, ô ăn quan...
Chị Lý Thị Tư, người lưu giữ những bài thuốc bắc ngâm chân gia truyền của người Dao ở Tân Lập cho biết, khi lượng khách du lịch về Tân Trào ngày một nhiều, nhu cầu được trải nghiệm các hoạt động với người dân địa phương ngày càng đông, thì những bài thuốc bắc gia truyền của gia đình chị có cơ hội được khách thập phương biết đến cũng nhiều hơn. Rất nhiều người ngâm chân tại chỗ thấy hiệu quả đã đặt mua thêm để về sử dụng.
Gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới
Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình những năm gần đây nổi lên là một địa chỉ du lịch được nhiều người tìm đến. Với lối kiến trúc nhà sàn độc đáo cùng với các tua du lịch kết nối hợp lý, homestay nơi đây thực sự hấp dẫn khách du lịch. Đặc biệt, vừa qua Làng văn hóa du lịch Nà Tông đã là 1 trong 130 bản làng du lịch của 11 nền kinh tế APEC vừa được Ban Thư ký APEC chọn quảng bá giới thiệu du lịch trên website APEC.
Để có được ngày hôm nay, với người Nà Tông nói riêng và chính quyền huyện Lâm Bình nói chung, là cả một quá trình dài xây dựng, tạo điểm nhấn.
Các gian hàng bán thổ cẩm truyền thống trở thành địa chỉ thu hút khách khi đến với Nà Tông, Thượng Lâm (Lâm Bình).
Theo đó, ngay khi Làng văn hóa du lịch Nà Tông trở thành một trong những địa chỉ phải đến khi đến với Lâm Bình, huyện đã có kế hoạch sắp xếp lại hoạt động du lịch tại đây, có biện pháp chấn chỉnh ngay khi hoạt động du lịch của một hộ gia đình nào đó phát triển tự phát và không phù hợp với không gian văn hóa, phong tục tập quán của người bản địa.
Nghị quyết 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đã đặt mục tiêu, đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 làng văn hóa, cả tỉnh sẽ có 1 làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh. Xét về điều kiện, lợi thế, mục tiêu này không khó để hoàn thành, nhưng làm sao để ngoài yếu tố cảnh quan, hạ tầng, việc thu hút để cả cộng đồng cùng được hưởng lợi từ du lịch cần được các địa phương tính toán phù hợp. Quan trọng hơn, là phải tạo được điểm nhấn, để các làng văn hóa du lịch không phát triển theo một khuôn mẫu, từ ẩm thực đến hoạt động trải nghiệm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, mô hình Làng văn hóa du lịch đang bắt đầu phát triển tại nhiều địa phương, cùng với các làng văn hóa du lịch được đưa vào khai thác sớm như Tân Lập, Nà Tông, Khau Tràng, Nà Khá, nhiều làng văn hóa tuy mới được công nhận nhưng đã bước đầu trở thành điểm đến hấp dẫn như Làng văn hóa du lịch Động Sơn, Làng văn hóa du lịch Bản Biến... Từ các mô hình du lịch cộng đồng đã có, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ có những đánh giá cụ thể về hiệu quả các làng du lịch cộng đồng để nhân rộng mô hình này tới những địa phương có đủ điều kiện phát triển, đồng thời tránh trùng lặp, tạo sự đa dạng thu hút khách thập phương.
Bài, ảnh: Trần Liên