Bình Thuận: Liệu có 'tham bát bỏ mâm' trong cuộc chiến cát đen - du lịch?

Cập nhật: 24/09/2009
Thừa nhận khá nhiều hệ lụy của hậu khai thác titan, nhưng chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định không thể dừng khai thác nguồn lợi này. Trong cơ cấu kinh tế đến năm 2010, Bình Thuận xác định tỷ lệ công nghiệp chiếm 40%, ngang bằng với du lịch - dịch vụ. Và “cuộc chiến” giữa du lịch và cát đen vẫn chưa có hồi kết khi tỉnh này vừa có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép thăm dò titan cho 14 doanh nghiệp.
Đi theo hướng nào?
Lãnh đạo Bình Thuận đang lúng túng đứng giữa hai con đường trái ngược nhau. Một hướng ủng hộ việc khai thác titan và quả quyết đây là thời điểm thuận lợi để tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, chỉ cho phép khai thác titan trong mùa mưa, hoặc nếu doanh nghiệp chứng minh được yếu tố nước ngọt đảm bảo để sàn tuyển quặng. Thế nhưng, với vùng đất luôn trong tình trạng “khát” nước như Bình Thuận và với việc đặt lợi nhuận lên hàng đầu của các doanh nghiệp khai thác titan thì khó lòng thực hiện được các yêu cầu đó.
Một hướng khác, không ủng hộ việc khai thác cát đen thời điểm này đề nghị tỉnh phải cân nhắc, thận trọng, bởi thực tế nhiều năm nay, nguồn thu từ cát đen không xứng đáng với sản lượng đã khai thác, thất thoát quá lớn. Rất nhiều ý kiến đề xuất phải “mở đường” cho các dự án tại những vùng hiệu quả đầu tư cao, không thể án binh bất động chờ cát đen như hiện giờ.

Để “trấn an” dư luận, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương ưu tiên cho các doanh nghiệp khai thác cát đen được sử dụng đất tại chính vùng mỏ mà doanh nghiệp đã khai thác xong. Lý do là để “buộc” doanh nghiệp khai thác khoáng sản có trách nhiệm, không bỏ lại môi trường hoang tàn sau khai thác. Không biết việc khôi phục môi trường tự nhiên sau hàng chục năm cày xới sẽ ra sao, nhưng chủ trương này lại đang là lực hút hấp dẫn cho các doanh nghiệp nhắm vào cát đen, vì được “cả chì lẫn chài”.

Phương án dung hòa

Trước phản ứng của người dân về việc khai thác, tận thu cát đen mà không lường hết các yếu tố bất lợi, các ngành chức năng “phân trần” là vì không thể để lãng phí tài nguyên. Nhưng không biết có ai làm một bài toán để “cân đong” giữa tiền “bán cát” và những chi phí sẽ phải bỏ ra cho việc khắc phục sự biến đổi, thoái hóa nghiêm trọng của môi trường và sức khỏe của hàng trăm nghìn người dân sống tại các khu vực đang khai thác cát đen?

Tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định xây dựng thành phố Phan Thiết thành đô thị du lịch quốc gia, nhưng lại đang làm thất vọng các nhà đầu tư du lịch, khi họ phải làm du lịch chung với các công trường khai thác khoáng sản; chưa tính đến hàng trăm dự án du lịch sẽ quay mặt vì mòn mỏi chờ đợi…

Ông Nguyễn Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận, là địa phương giàu tiềm năng du lịch, khoáng sản, nhưng lãnh đạo tỉnh cũng rất “khó xử”. “Theo Luật Khoáng sản, khi phát hiện và công bố mỏ titan với trữ lượng lớn, thì phải tiến hành khai thác, hoàn thổ xong mới được triển khai các dự án khác, trừ trường hợp những vùng mỏ này được công bố là mỏ dự trữ. Hơn nữa, tỉnh cũng không thể quyết, khi các dự án khai thác titan thuộc quyền cấp phép của Bộ TN-MT”, ông Thu chia sẻ.

Cuối tháng 6, Cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên Môi trường đã khởi công công trình Khoan máy đề án điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ từ Ninh Thuận đến Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng thăm dò khoảng hơn 14.000 km2 , trong đó, riêng Bình Thuận chiếm đến hơn 12.000 km2, với trữ lượng khoảng 200 triệu tấn. Công tác thăm dò phải đến hết năm 2011, và dự báo sẽ thăm dò tới độ sâu 120 - 150 m; vì càng đi sâu vào lòng đất ở tầng cát đỏ này, hàm lượng titan càng đậm đặc.  

Theo ông Nguyễn Văn Thu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, lại phải để các nhà đầu tư “phiền lòng”, còn nóng ruột gấp nhiều lần. Tỉnh đang tiếp tục tính phương án tốt nhất, để dung hòa giữa titan và các lĩnh vực khác.

Nguồn: Đất Việt