Hà Nam hiện có tổng số hơn 6.800ha rừng và đất lâm nghiệp nằm tập trung tại hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Trong định hướng phát triển, tỉnh Hà Nam luôn coi trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, giữ môi trường cho đàn chim trú ngụ coi đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển hiện tại và bền vững trong tương lai.
Đàn chim tìm về khu rừng ven hồ Tam Chúc để trú ngụ.
Những ngày này, du khách đến với Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi được ngắm hình ảnh đàn cò trắng sải cánh trên mặt hồ tìm nơi trú ngụ. Từng đàn cò có số lượng khá đông bay chao liệng trên mặt hồ, sát vách núi đá vôi, lượn sát mặt nước để tìm kiếm thức ăn.
Màu xanh của trời, của cây, màu xám của núi đá và màu trắng của cánh cò tạo nên bức tranh đầy ấn tượng, đem lại cảm giác thơ mộng và bình yên. Đến đây, du khách cảm nhận được sự tĩnh lặng hơn, bình tâm hơn trước vẻ đẹp nhẹ nhõm khi mỗi buổi chiều từng đàn chim lại bay về làm tổ.
Vào buổi chiều từng đàn chim trở về khu rừng Ba Sao.
Theo những người dân sinh sống lâu năm trong vùng này, đặc tính của loài cò là xuất hiện ở nơi yên tĩnh, môi trường trong lành, có sẵn thức ăn. Loài cò thường di cư đến vùng này (trước đây có tên gọi là Đống Son, Đồng Cỏ) để tìm kiếm thức ăn từ tháng 9, tháng 10. Việc đàn cò xuất hiện nhiều như hiện nay cho thấy trên hồ có nguồn lợi thủy sinh tốt, thuận lợi để cò tìm kiếm thức ăn.
Nhiều loài chim quý cũng về trú ngụ tại Khu du lịch Tam Chúc.
Hình ảnh những đàn cò, đàn chim trời hàng nghìn con trở về sinh sống trong mỗi mùa di cư, hay ở lại sống tại các vùng đất, vùng nước tự nhiên tại khu hồ Tam Chúc thuộc quần thể Khu du lịch Quốc Gia Tam Chúc chính là minh chứng cho những nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu giữ môi trường sinh thái cho phát triển bền vững của Ban quản lý Khu du lịch.
Tại đây, công tác quản lý, bảo tồn nguyên trạng các giá trị của mặt nước, trong đó có giá trị về đa dạng sinh học luôn được Ban quản lý Khu du lịch Tam Chúc quan tâm dành nhiều nguồn lực ưu tiên phục vụ công tác bảo tồn. Đặc biệt công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã, di cư luôn được tăng cường và chú trọng mỗi khi vào mùa chim di cư (từ đầu tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Đàn chim về trú ngụ và sinh sống tại hồ Tam Chúc.
Khu rừng Ba Sao, huyện Kim Bảng được coi là miền đất lành với hàng nghìn loài động, thực vật cùng sinh sống. Cùng với những giải pháp khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực có đa dạng sinh học cao, tập trung những loài quý, hiếm, đặc hữu tại đây như Voọc Mông Trắng, tỉnh Hà Nam cũng chỉ đạo thực hiện giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản, đa dạng sinh học và tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cho các loài chim về trú ngụ.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, trong đó có các loài chim hoang dã, chim di cư nói riêng; khuyến cáo người dân không săn bắn, bẫy, bắt các loài chim hoang dã, chim di cư và động vật hoang dã khác.
Song hành với việc tuyên truyền, hàng năm các hạt kiểm lâm Kim Bảng-Thanh Liêm đã tiến hành hàng loạt đợt ra quân phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời; tổ chức thả các loài chim hoang dã về với tự nhiên.
Đào Phương