Khánh Hòa: Xây dựng huyện Khánh Sơn thành vùng du lịch sinh thái

Cập nhật: 09/10/2023
Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Khánh Sơn đang khẩn trương triển khai các bước lập đồ án quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển gắn với những giá trị sinh thái cảnh quan và văn hóa đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương.

Theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, định hướng quy hoạch tỉnh đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Trong đó, Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được định hướng phát triển thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Kinh tế - xã hội huyện miền núi này, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sẽ phát triển theo hướng nhanh, bền vững, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa, có vai trò đảm bảo an ninh, môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, đại đoàn kết các dân tộc. Định hướng này cũng được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một góc khu vực thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn)

Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, để thực hiện định hướng này, UBND tỉnh đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 33.853ha, với 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Tô Hạp và 7 xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam. Địa phương đang khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo để sớm lập đồ án quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trên cơ sở đó, trong tương lai, Khánh Sơn sẽ được xây dựng trở thành vùng du lịch sinh thái, với những giá trị sinh thái cảnh quan và văn hóa đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, lồng ghép không gian sinh thái nông - lâm nghiệp, trong đó thị trấn Tô Hạp được xây dựng trở thành trung tâm dịch vụ lữ hành và lưu trú. Hệ thống đô thị địa phương sẽ phát triển hài hòa, kết hợp giữa khu vực hiện hữu và các không gian phát triển mới ở Sơn Lâm, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam…; khai thác và bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, gắn với hệ thống mặt nước.

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị của huyện sẽ phát triển theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng trên cơ sở hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, kiến tạo các vành đai xanh, hạ tầng xanh… nhằm từng bước đưa Khánh Sơn trở thành điểm đến độc đáo của tỉnh. Khi ấy, Khánh Sơn được xây dựng phát triển thành điểm đến nghỉ dưỡng của các không gian sinh thái, văn hóa có giá trị cao, sẽ là trung tâm du lịch vùng núi, với trọng tâm khai thác khía cạnh văn hóa di sản đàn đá Khánh Sơn và văn hóa cồng chiêng...

Theo ông Nguyễn Quốc Đông, trên cơ sở đánh giá điều kiện thực tiễn, tiềm năng, động lực phát triển của từng khu vực…, huyện sẽ đề xuất cụ thể mô hình, cấu trúc phát triển không gian vùng; vị trí, quy mô, tổ chức khu vực phát triển hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn, các khu chức năng trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển; phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đang được triển khai. Đồng thời, xác định, đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường…

Gia Hân

Nguồn: TCĐT Môi trường và Cuộc sống - moitruong.net.vn - Đăng ngày 09/10/2023