Bình Phước: Thả 7 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về rừng tự nhiên

Cập nhật: 13/10/2023
Hạt Kiểm lâm liên huyện Bù Gia Mập - thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) vừa phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) tổ chức tái thả 7 cá thể động vật nguy cấp về rừng.

Theo đó, các cá thể động vật được tái thả về môi trường tự nhiên tại Tiểu khu 14 và 23 của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, gồm: 3 cá thể tê tê Java (tên khoa học là Manis Javanica); 1 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca Leonina); 1 cá thể culi nhỏ (Nyticebus Pygmaeus); 1 cá thể trăn gấm (Python Reticulatus) và 1 cá thể kỳ đà vân (Varanus Nebulosus). Hầu hết các động vật thuộc nhóm IIB, nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn.

Cá thể khỉ đuôi lợn và trăn gấm được tái thả về rừng tự nhiên. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Đặc biệt, loài Tê tê Java thuộc nhóm IB đã được đưa vào sách Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN (1996, 2000), nhóm bị đe dọa tuyệt chủng (cực kỳ nguy cấp - CR). Loài khỉ đuôi lợn đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và Danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ).

Loài culi nhỏ được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và Danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IB Nghị định 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ).

Những động vật hoang dã trên đều do người dân tự nguyện giao nộp cho Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Bù Gia Mập – Phước Long và Trung tâm tuyên truyền, du lịch và cứu hộ, bảo tồn thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Sau thời gian cứu hộ, chăm sóc, các con thú được đánh giá đủ bản năng sinh tồn trong môi trường hoang dã, đủ điều kiện để thả về rừng tự nhiên.

Trước khi thả, các lực lượng đã tiến hành khảo sát vị trí, đánh giá môi trường rừng tự nhiên tại đây cho thấy các khu vực dự kiến thả động vật có sinh cảnh rừng khá phù hợp và đảm bảo cho các loài có thể sinh tồn tốt trong môi trường sống mới.

Đại diện Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các Trạm Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập theo dõi đánh giá trong vòng 15 ngày.

Những cá thể động vật sau tái thả có biểu hiện chưa thích nghi được trong môi trường rừng tự nhiên sẽ được đưa về lại Trung tâm để tiếp tục cứu hộ, phục hồi bản năng tự nhiên và thực hiện tái thả trong đợt tiếp theo.

Từ Mẫn

Nguồn: TCĐT Môi trường và Cuộc sống - moitruong.net.vn - Đăng ngày 12/10/2023