Một mùa lễ hội trên cao nguyên Gia Lai sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 này với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn. Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Gia Lai, Festival Văn hóa cồng chiêng với chủ đề “Những sắc màu văn hóa” quy tụ khoảng 1.000 nghệ nhân người Bahnar, Jrai tại chỗ và cộng đồng các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh Tây Nguyên cùng phô diễn những nét độc đáo, đặc sắc nhất của không gian văn hóa cồng chiêng.
Cuộc hội ngộ càng thêm ý nghĩa khi mà đoàn nghệ nhân người Jrai của tỉnh Gia Lai vừa trở về sau chuyến tham gia biểu diễn tại Lễ hội âm thanh thế giới (Jeonju International Sori Festival) trên đất Hàn Quốc. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Trưởng đoàn nghệ nhân chia sẻ: “Tham gia Lễ hội âm thanh thế giới, giữa các thiết bị, âm nhạc hiện đại, trong tổng số 11 quốc gia tham dự, chỉ có Việt Nam và Chile đem âm nhạc dân gian lên sân khấu. Cũng bởi vậy mà chúng tôi nhận được sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của đông đảo khán giả trong suốt các chương trình. Trở về từ Hàn Quốc, mỗi nghệ nhân trong đoàn đều mang theo một niềm tự hào rất lớn, mong muốn được lan tỏa, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân tại “xứ sở kim chi”, từ đó khơi dậy trong mỗi người dân tình yêu, khát khao được trình diễn, đưa cồng chiêng vươn ra khỏi không gian buôn làng, tôn thêm giá trị để bảo tồn, phát huy bản sắc”.
Các nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng đường phố. Ảnh: Đức Thụy
Cũng từ những hình ảnh, clip được chia sẻ, qua lời kể của 14 nghệ nhân sau khi trở về, có lẽ hàng chục, hàng trăm nghệ nhân trong các ngôi làng cũng đang mong chờ, háo hức để được tấu lên điệu cồng chiêng trong sự theo dõi, cổ vũ của công chúng tại các sự kiện văn hóa mà gần nhất chính là Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai sắp tới. Sự kiện là một cơ hội lớn để mỗi thành viên tham gia nhận thấy tầm vóc, vai trò, trách nhiệm “chủ nhân” của di sản không gian văn hóa cồng chiêng, từ đó cố gắng luyện tập thuần thục, nhuần nhuyễn, đưa hồn cốt vào trong từng âm điệu. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho rằng, việc tổ chức định kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng như một chất xúc tác cho công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị mang tính bản sắc của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Bởi qua mỗi kỳ lễ hội, bà con lại thêm một lần được nhắc nhở về nét văn hóa đặc sắc mà cha ông truyền lại từ ngàn đời, được khích lệ để khôi phục và bảo tồn, học hỏi và phát huy hơn nữa.
Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm nay không nằm ngoài ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ngoài thưởng thức các tiết mục cồng chiêng đặc sắc tại đêm khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh, người dân và du khách cũng được tham gia chương trình lễ hội đường phố với màn diễu hành, biểu diễn của các đội cồng chiêng. Cùng với đó, không gian rợp bóng cây của Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) là địa điểm lý tưởng để các đơn vị tái hiện lại không gian buôn làng vào dịp lễ hội, rộn ràng cồng chiêng. Một số địa phương cũng sẽ phục dựng các lễ cúng có ý nghĩa quan trọng trong đời người theo phong tục truyền thống của người bản địa.
Đáng chú ý hơn khi Festival Văn hóa cồng chiêng năm nay là một trong những nội dung được cụ thể hóa của bản thỏa thuận hợp tác phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025. Cùng với việc tổ chức lễ hội ở các tỉnh Tây Nguyên, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Văn hóa thành phố hỗ trợ Festival Văn hóa cồng chiêng tại Gia Lai để “làm sao cho lễ hội chưa có thành có, có thì phải tốt hơn, đã tốt rồi thì phải làm cho đẳng cấp. Để làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Tin rằng, với những sự hỗ trợ từ bên ngoài, những nỗ lực, cố gắng đổi mới của Ban tổ chức cũng như tình yêu, niềm tự hào và nhiệt huyết của hàng ngàn nghệ nhân, Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 sẽ thực sự đem đến “những sắc màu văn hóa” rực rỡ, hấp dẫn nhất cho người dân và du khách.
Phương Vi