Không chỉ là “thủ phủ” của cây chè, Thái Nguyên còn được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa trà...
Mặc dù vậy, du khách đến với Thái Nguyên phần lớn lưu trú ngắn ngày, mức chi tiêu thấp nên chưa mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương. Trong bối cảnh đó, Thái Nguyên mới đây đã đưa vào thử nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trekking, khám phá sườn đông Tam Đảo nhằm thu hút du khách nhiều hơn.
Du khách trekking và chụp ảnh bên cây lát xoan cổ thụ 500 tuổi.
Bữa trưa độc đáo giữa rừng
Thái Nguyên hiện có 6 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh. Nếu như Khu du lịch cộng đồng xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) nằm ở trung tâm vùng “Đệ nhất danh trà”, mang đến trải nghiệm gắn với cây chè thì Khu du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, thành phố Sông Công) đem lại trải nghiệm đi thuyền trên lòng hồ, tham quan đồi chè hay rừng thông xanh rì như một “tiểu Đà Lạt”. Trong khi đó, điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn (xã La Bằng, huyện Đại Từ) lại sở hữu lợi thế về thiên nhiên, có thể phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trekking, khám phá sườn đông Tam Đảo với quãng đường dài 10km, mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Dãy núi Tam Đảo trải rộng trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, trong đó địa phận tỉnh Thái Nguyên nằm ở phía sườn đông, nơi có dòng suối Kẹm bắt nguồn từ đỉnh núi Tam Đảo chảy xuống vùng chè xã La Bằng (huyện Đại Từ) tạo thành một không gian sinh thái lý tưởng. Ngược theo dòng suối Kẹm, đi chừng 2,5 giờ với quãng đường rừng dài khoảng 5km, vượt qua những đoạn dốc ngược, thử thách ý chí và sức khỏe, du khách sẽ tới thác Trắng chảy vắt qua khe núi giống như chiếc nơ trắng cài trên mái tóc của “thiếu nữ” rừng xanh. Con đường xuyên rừng Tam Đảo được hình thành trong quá trình người dân vào rừng kiếm củi, bẻ măng và thu hái dược liệu. Trải nghiệm cảm giác bước trên thảm lá dày, lắng nghe tiếng lá khô vỡ theo từng bước chân, bên trên là những tán cây đan xen vào nhau cùng tiếng chim hót, các loài côn trùng rỉ rả sẽ mang lại cho du khách những phút giây thư thái, bình yên.
Đoạn đường từ thác Trắng xuống khá vất vả, nếu hôm trước trời có mưa thì đường càng trơn trượt. Một số hộ dân đang tham gia phát triển du lịch đã làm những thanh vịn, biển cảnh báo, biển chỉ dẫn bằng tre, gỗ để bảo đảm an toàn cho du khách. Dừng chân bên những tảng đá lớn nằm ven con suối Ba Luồng, du khách thưởng thức bữa trưa độc đáo do đội ngũ porter (người mang đồ đi theo đoàn) chuẩn bị sẵn. Những món ăn bản địa như gà nướng, xôi nếp cẩm, rau củ luộc được bày trên những chiếc “mâm”, “bàn” được kết từ thân tre và trải bằng lá chuối, “ghế” ngồi là những phiến đá tảng lớn... giúp du khách có một bữa tiệc ấn tượng giữa rừng và trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên có một không hai.
Xây dựng cộng đồng du lịch bền vững
Nhiều năm nay, tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ đã định hướng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại hai xã Hoàng Nông, La Bằng gắn với khu vực sườn đông núi Tam Đảo. Tuy nhiên, do chưa có những sản phẩm đặc sắc, cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch còn thiếu thốn; hệ thống dịch vụ phát triển tự phát; trình độ, nhận thức cùng kinh nghiệm của người dân về phát triển du lịch còn nhiều hạn chế nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch.
Để phát triển du lịch bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Dương Văn Tuyên cho biết, huyện đã lựa chọn một số hộ làm điểm nhấn trong việc phát triển các mô hình homestay, đồng thời lập quy hoạch chi tiết Đề án phát triển Khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặc biệt chú trọng việc phát triển các vùng, điểm, sản phẩm du lịch cụ thể, gắn kết hai xã La Bằng - Hoàng Nông với các địa phương lân cận để đa dạng hóa sản phẩm và phát triển du lịch theo hướng bền vững song song với việc bảo vệ “lá phổi xanh” sườn đông Tam Đảo.
Để bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch bền vững, theo Tiến sĩ Trần Thị Ngân Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chuyển giao ứng dụng công nghệ và phát triển du lịch cộng đồng bền vững (TTSC), cần tuyên truyền để người dân hiểu và thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan. Cùng với đó, cần tạo điều kiện để nhiều hộ dân cùng tham gia phát triển loại hình homestay, qua đó phát huy sức mạnh của sự cố kết cộng đồng nhằm khai thác các giá trị tự nhiên và nhân văn, tạo nên những sản phẩm mang bản sắc riêng.
Cũng theo bà Trần Thị Ngân Giang, chính quyền địa phương cần đồng hành cùng người dân, tăng cường tập huấn, đào tạo về đón tiếp, chăm sóc du khách để phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với trekking hoặc du lịch sinh tồn.
Còn theo Giám đốc Công ty Fivestar Travel Lương Duy Doanh, việc kết hợp du lịch cộng đồng gắn với trekking và di chuyển bằng xe tự lái là sản phẩm mới chưa được nhiều địa phương triển khai bởi dòng sản phẩm này phụ thuộc vào điều kiện về cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống lưu trú, đối tượng khách và năng lực kết nối, quảng bá của các doanh nghiệp lữ hành.
Trong tương lai, sản phẩm này sẽ có sức hút lớn đối với du khách vốn có nhu cầu ngày càng đa dạng, đòi hỏi tính khác biệt cao. Vì thế, cộng đồng địa phương cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phát triển sản phẩm và đón dòng khách có mức chi tiêu cao này nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Bài và ảnh: Linh Tâm