Bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cách tiếp cận "toàn xã hội"

Cập nhật: 18/10/2023
Cách tiếp cận “toàn xã hội”, đảm bảo sự đại diện và tham gia đầy đủ, công bằng, hiệu quả, có trách nhiệm chính là cơ sở thực hiện mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho Vườn quốc gia Tràm Chim triển khai trong khuôn khổ dự án BES-Net

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACE) và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF Việt Nam tổ chức Toạ đàm "Xã hội hoá công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: Nhu cầu và giải pháp".

Tọa đàm tập trung thảo luận về nhu cầu xã hội hoá công tác bảo tồn, trách nhiệm của các tầng lớp cư dân trong xã hội, tăng cường sự tự nguyện tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học; các công cụ chính sách, cơ chế dựa vào thị trường để thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Các nhà quản lý, các chuyên gia cũng cùng nhận diện các rào cản, thách thức và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học.

Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia đa dạng sinh học nhất thế giới. Đặc biệt, khu vực Trung Trường Sơn là nơi sinh sống của các loài quan trọng, bao gồm các loài đặc hữu, quí hiếm và các loài mới công bố. Tuy nhiên, những loài này phải đối mặt với những mối đe dọa phức tạp ngày càng tăng, bao gồm nạn săn trộm, đặt bẫy trên diễn rộng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển cơ sở hạ tầng và tác động lan rộng của biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Văn Trí Tín - Quản lý Chương trình Quỹ Bảo tồn loài - WWF Việt Nam, để bảo tồn các loài quan trọng, WWF đang nỗ lực hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn thực hiện quản lý và triển khai các giải pháp bảo tồn hiệu quả. Đồng thời, đóng góp cải thiện khuôn khổ pháp lý, hợp tác quốc tế, chính sách, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và tuyên truyền thay đổi hành vi xã hội trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã.

"Chúng tôi xác định, cộng đồng địa phương là những người đồng hành quan trọng. Tuy nhiên, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nếu chỉ làm việc với các cơ quan, tổ chức bảo tồn, cộng đồng là chưa đủ. Hoạt động bảo tồn đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều đối tượng khác nhau. Nỗ lực toàn cầu được thống nhất trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal tháng 12/2022 đã xác định rằng, chỉ thông qua cách tiếp cận ‘toàn xã hội’, đảm bảo sự đại diện và tham gia đầy đủ, công bằng, hiệu quả, có trách nhiệm là cơ sở để thực hiện mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học" – ông Nguyễn Văn Trí Tín cho biết.

Nâng cao hiểu biết của cộng đồng về xã hội hóa công tác bảo tồn

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học, theo TS. Nguyễn Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên liên quan về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên và đa đạng sinh học.

Đối với ngành này, nguồn nhân lực triển khai các hoạt động thực tiễn rất quan trọng, tiếp đó là tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm, kỹ năng vận động tài trợ và uy tín của tổ chức; có rất nhiều vấn đề cần xã hội hóa chứ không riêng nhu cầu tài chính.

Thách thức lớn nhất là cộng đồng nhận thức chưa đầy đủ về xã hội hóa, ngay cả khái niệm về xã hội hóa cũng chưa thống nhất. Riêng đối với người dân, cần giúp họ hiểu rõ những lợi từ công tác bảo tồn động vật hoang dã nói riêng hay bảo vệ môi trường nói chung. Họ từ người hưởng lợi sẽ dần trở thành đối tác, và sau đó là chủ thể tham gia tích cực vào các hoạt động này.

Việt Nam đã thành lập 181 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 65 khu bảo vệ cảnh quan, với tổng diện tích hơn 2,64 triệu ha. Ngoài ra, cả nước có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.

Thu Cúc

Nguồn: Báo Chính phủ - baochinhphu.vn - Đăng ngày 17/10/2023