Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn và nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn. Tại nhiều địa phương hướng xây dựng các sản phẩm làng nghề OCOP là cầu nối thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Nhiều dư địa cho du lịch nông nghiệp
Là đất nước với hơn 70% dân số ở nông thôn và sở hữu nền sản xuất nông nghiệp bền vững, lâu đời, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Nếu khai thác tốt thế mạnh, giá trị khác biệt, nổi bật của nông thôn, đây sẽ là hướng đi có tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho nền công nghiệp không khói nước nhà.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, những năm qua, tại nhiều địa phương, các tổ chức, cá nhân đã triển khai đầu tư, khai thác du lịch nông nghiệp, đồng thời xây dựng và triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong đó, du lịch canh nông đang được đẩy mạnh. Du lịch canh nông là loại hình du lịch mới phát triển trong thời gian gần đây, với mô hình nổi bật là các trang trại sinh thái, hay các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức những hoạt động trải nghiệm về nông nghiệp, làng quê. Nổi bật có thể kể đến như: tour thăm mô hình làng quê; tham quan nông trường; du lịch miệt vườn, chợ nổi; trải nghiệm vườn rau thủy canh, trồng hoa công nghệ cao; trải nghiệm trang trại;…
Trong đó, các hoạt động trải nghiệm tại trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi với nhiều mức độ khác nhau. Mức 1, khách được xem quá trình sản xuất và được thưởng thức sản phẩm, sau khi được hướng dẫn viên và người dân địa phương giới thiệu quy trình, dụng cụ cho khách, cuối cùng khách được ăn thử. Chẳng hạn như làm hồng treo gió, kẹo dừa, bánh tráng,… Mức 2 là du khách trải nghiệm thực tế ở một vài công đoạn, cùng tham gia sản xuất như cùng với nông dân thu hoạch hoa tươi trong nhà kính ở Đà Lạt, cùng trồng rau ở làng rau Trà Quế, Hội An, cùng hái lá thuốc với người Dao ở Lào Cai, cùng thu hoạch tôm trên vịnh Hạ Long. Cuối cùng du khách được thưởng thức thành quả do chính mình vất vả làm ra.
Mức cao nhất là khi du khách lưu trú trong thời gian vài ba ngày, khi đó du khách trở thành một thành viên của cộng đồng, được sinh sống, trải nghiệm trong môi trường thường nhật mà cộng đồng ấy trải qua kể cả lối sống sinh hoạt giống như người bản xứ. Đây cũng là mức mà du khách, nhất là khách nước ngoài thích thú nhất. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, ở dài ngày hơn cho các trải nghiệm thực tế.
Theo thống kê của Phòng Quản lý Lữ hành (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận và gần 1.500 điểm du lịch đang hoạt động mà chưa được công nhận, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch.
Nông lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP nhờ vào du lịch. Những cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm. Tri thức, văn hóa bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức nhờ vào du lịch. Đặc biệt, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác. Đó là định vị hình ảnh nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái thông qua đó tiếp thị quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn.
Đồng thời giới thiệu hình ảnh nông thôn Việt Nam, người dân nông thôn Việt Nam đôn hậu, hiền hòa, hiếu khách. Đó là tính đoàn kết cộng đồng cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; cùng nhau giữ gìn đồng quê, nơi khơi gợi tình yêu với nông nghiệp, thiên nhiên với người nông dân, là tư duy tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn hướng đến những làng quê đáng sống, đáng quay về.
Tuy nhiên du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế. Nhiều địa phương chưa nhìn thấy hết tiềm năng từ loại hình du lịch này và chưa hình dung hết, còn thiếu quan tâm, tạo điều kiện chăm chút, hoàn thiện để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; các mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu gắn kết. Không ít điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ với cộng đồng; hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng; cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thể trở thành động lực để phát triển một ngành du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang lại giá trị cuộc sống. Tình trạng này khiến cho các mô hình du lịch nông nghiệp không phát huy hết giá trị vốn có và không đủ sức hấp dẫn để phát triển bền vững.
Sản phẩm OCOP “ giữ chân” du khách
Theo các chuyên gia về du lịch, cần có quy hoạch bài bản, có doanh nghiệp đủ tầm để dẫn dắt, giúp điểm đến được nâng tầm và có giá trị hơn. Đồng thời cần có quy hoạch và hành lang pháp lý cụ thể để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn đầu tư vào du lịch nông nghiệp. Có như vậy, du lịch nông nghiệp mới ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và “giữ chân” du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.
Mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, xu hướng phát triển du lịch khác nhau và một xu hướng đã và đang hình thành phát triển là du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP. Hiện nay, chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, TP đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Nếu trước đây các sản phẩm du lịch đặc trưng của Việt Nam không có nhiều, hầu hết đều tập trung ở một vài địa điểm du lịch lớn, chất lượng sản phẩm còn đơn điệu không thu hút, “giữ chân” du khách được lâu thì giờ đây, sản phẩm OCOP đã tháo gỡ cho vấn đề này, việc đa dạng các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản vùng miền, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP và đưa vào các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đã được triển khai thực hiện và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Từ đó không những góp phần nâng cao giá trị kinh tế mà còn tận dụng được lợi thế nông nghiệp của đất nước và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung của địa phương.
Có thể thấy, tiềm năng và lợi thế nông nghiệp có sẵn là yếu tố quan trọng giúp con đường phát triển ngành du lịch gắn với nông nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nếu muốn tiến xa hơn nữa lợi thế đó là chưa đủ, ngành Du lịch cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, mang đặc trưng vùng, miền và theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Minh Ngọc