Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển du lịch là khâu đột phá, ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Quảng trường Nguyễn Tất Thành, công trình đoạt giải thưởng phong cảnh thành phố châu Á.
Tuyên Quang, "cái nôi" của cách mạng Việt Nam với những địa danh đã đi vào lịch sử, nổi bật nhất là hai Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Kim Bình. Vùng đất còn mang nhiều nét văn hóa đặc sắc: Then của người Tày-Nùng-Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ hội Thành Tuyên, một lễ hội riêng có của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam; Quảng trường Nguyễn Tất Thành, công trình duy nhất của Việt Nam và đứng thứ 5 trong số 11 công trình của châu Á đoạt giải thưởng phong cảnh thành phố châu Á - Tinh hoa của núi rừng năm 2022; Suối khoáng nóng Mỹ Lâm; Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, với diện tích hơn 8.000 ha mặt nước và hệ sinh thái rừng nguyên sinh, nhiều động, thực vật quý hiếm cùng hệ thống thác nước, hang động kỳ thú, núi non hùng vĩ;…
Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, Chương trình hợp tác Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang liên kết, phối hợp tuyên truyền, quảng bá giới thiệu Ngày hội văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội; diễn diễu mô hình trung thu tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc"; hợp tác khai thác phát triển tuyến du lịch lòng hồ Tuyên Quang - Hà Giang; giới thiệu du lịch tại gian hàng Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM thu hút đông đảo du khách và các nhà đầu tư, góp phần vào sự phát triển hoạt động du lịch các tỉnh.
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðông Bắc tổ chức gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch của các địa phương trong Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh để trưng bày, giới thiệu các điểm đến nổi trội, chương trình Năm Du lịch và Lễ hội Khinh khí cầu Tuyên Quang 2023, phong cảnh Quảng trường Nguyễn Tất Thành; trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh... thu hút hàng chục nghìn du khách tham quan, tìm hiểu.
Ðến nay, hoạt động liên kết phát triển du lịch từng bước phát huy hiệu quả, thể hiện qua việc các tỉnh Ðông Bắc đã mở rộng thêm một lượng lớn thị trường khách đến từ các tỉnh, thành phố phía nam và ngược lại. Ðáng chú ý thị trường khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng mạnh so với thời gian trước.
Ðẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch, Tuyên Quang đã triển khai hợp tác với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) nhằm tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh miền đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh. Liên kết xúc tiến đầu tư và hình ảnh tour, tuyến du lịch giữa tỉnh Tuyên Quang - Xiêng Khoảng và ngược lại đưa Tuyên Quang trở thành một trong những điểm du lịch yêu thích của du khách Lào.
Tỉnh Tuyên Quang đã tham gia các gian hàng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, dự án xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư về du lịch, thương mại, công nghiệp tại huyện Malipho, Châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thu hút đông đảo nhà đầu tư tìm hiểu, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch phát triển.
Với địa phương của Hàn Quốc, hai bên thường xuyên trao đổi điện mừng tổ chức đoàn sang tham dự lễ hội truyền thống do hai địa phương tổ chức với nội dung quảng bá hình ảnh du lịch, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương đến với bạn bè quốc tế. Ngoài ra các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành các địa phương tăng cường quảng bá, giới thiệu, chào bán sản phẩm du lịch có thế mạnh của mỗi địa phương tới du khách; tích cực tăng cường giao lưu hợp tác trong công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch giữa các bên, góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch đến địa phương ngày càng tăng.
Những chương trình hợp tác nêu trên đã trở thành sự kiện thường niên, góp phần xây dựng các sản phẩm đặc trưng, làm mới sản phẩm du lịch của vùng; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch liên vùng; thúc đẩy khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về du lịch các địa phương. Từ đó khẳng định, với sự hợp tác, liên kết các sản phẩm du lịch qua những miền di sản Việt Bắc ngày càng định vị rõ thương hiệu không chỉ đối với thị trường trong nước và cả với khách quốc tế.
Bài và ảnh: Hải Chung