Dù được thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu nhưng những sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sứ Mệnh Xanh, phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã có mặt tại thị trường trong và ngoài nước. Bởi doanh nghiệp chọn lối đi riêng bằng những sản phẩm “xanh”.
Nhận thấy sản xuất xanh, nhu cầu sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu trong phát triển sản xuất, kinh doanh, chàng trai Khmer Hứa Trần Phong đã mạnh dạn khởi nghiệp với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ nguyên vật liệu “xanh”, thân thiện với môi trường. Năm 2021, anh Phong chính thức đăng ký thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sứ Mệnh Xanh, dù có lúc gặp khó khăn nhưng hiện vẫn trụ vững trên thị trường.
Theo anh Phong, do đam mê với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên dù tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ sinh học và có việc làm ổn định tại bệnh viện lớn, nhưng anh quyết tâm theo đuổi đam mê. Sau khi thôi việc tại bệnh viện, anh Phong xin làm quản lý sản xuất tại hợp tác xã chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình, nhờ đó anh cũng có kinh nghiệm, nắm bắt được thị trường cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, giúp anh tự tin, mạnh dạn về quê hương Sóc Trăng thành lập công ty và chọn lối đi riêng là chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ các nguyên liệu “xanh”, gần gũi với đời sống người dân.
Anh Phong bộc bạch: “Lúc đầu, anh chỉ dùng giấy sản xuất. Để đa dạng sản phẩm, anh bắt đầu nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm từ bẹ chuối, sống chuối - bởi đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào tại các tỉnh miền Tây cũng như cả nước, phần lớn người dân sau khi thu hoạch buồng chuối đều bỏ đi hoặc làm thức ăn cho gia súc. Bẹ chuối, sống chuối sau khi được phơi khô rất dai và có độ bền cao, nếu thành công, anh sẽ không lo về nguồn nguyên liệu, đồng thời còn giúp nông dân tận dụng triệt để cả cây chuối”.
Anh Hứa Trần Phong - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sứ Mệnh Xanh, phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) cầm trên tay sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao được làm từ bẹ chuối với tấm nilon lót bên trong dùng để trồng cây. Ảnh: Hoàng Lan
Với kiến thức của ngành công nghệ sinh học cộng với kinh nghiệm đúc kết khi làm việc tại bệnh viện và hợp tác xã, anh Phong đã thành công. Hiện công ty có khoảng 400 loại sản phẩm khác nhau như: đèn trang trí, nón, thảm, chậu trồng cây, giỏ quà tặng, khay để vật dụng gia đình và văn phòng, thùng rác, thùng giặt… Tất cả đều làm từ giấy, bẹ chuối, sống chuối, lá muôn, xơ dừa, lục bình… rất thân thiện với môi trường, có mức giá chỉ từ 15.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Tháng 6 năm 2023, sản phẩm chậu kết bẹ chuối của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sứ Mệnh Xanh được UBND thành phố Sóc Trăng công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Anh Phong cho biết, dù công ty đặt tại Sóc Trăng nhưng do đặc thù của ngành thủ công mỹ nghệ, nguồn nguyên liệu, lao động của công ty trải dài ở nhiều tỉnh miền Tây. Riêng tỉnh Sóc Trăng, công ty có 2 điểm gia công ở trung tâm thành phố Sóc Trăng và 1 điểm thu mua nguyên liệu tại thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú). Ngoài đội ngũ thợ lành nghề chuyên làm hàng mẫu với mức thu nhập từ 120.000 - 180.000 đồng/ngày/người, công ty góp phần tạo việc làm, thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Khi được hỏi về dự định cho tương lai, anh Phong khẳng định, sẽ tiếp tục sản xuất “xanh”. Đặc biệt, anh đang nỗ lực để xây dựng điểm sản xuất đủ lớn tại Sóc Trăng và phát triển dòng sản phẩm từ lá chuối dành cho riêng phường 5 (thành phố Sóc Trăng), để thu mua nguyên liệu cũng như tạo việc làm cho bà con Khmer tại đây. Hiện mỗi tháng, công ty sản xuất khoảng 2.000 sản phẩm và xuất theo đường tiểu ngạch, Công ty mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu… giúp công ty mở rộng quy mô sản xuất, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu của địa phương, tạo thêm việc làm cho người dân. Đồng thời, giúp những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tên Sứ Mệnh Xanh có xuất xứ tại Sóc Trăng, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà chính thức được xuất ngoại, góp mặt trên đường đua “xanh” tại thị trường các nước trên thế giới.
Hoàng Lan