Mawlynnong (bang Meghalaya) khiến các làng bên phải "ghen tị", khi du khách ùn ùn đổ đến để tìm hiểu vì sao nơi đây được vinh danh là làng "sạch nhất và có giáo dục tốt nhất" Ấn Độ.
Tất cả người dân trong làng đều có thể đọc, viết và mỗi ngôi nhà đều có một toilet. Đó không phải là một thành tựu khiêm tốn ở đất nước vẫn còn phải nỗ lực phổ cập giáo dục cho người dân, giải quyết những vấn đề nước và vệ sinh cơ bản nhất như Ấn Độ.
Giữ gìn môi trường xanh sạch từ khi còn bé
Nằm cách thủ phủ Shillong khoảng 90km và cách biên gới Bangladesh gần 4km, làng Mawlynnong được cư dân ở đây nỗ lực hết mình để giữ cho nó luôn sạch sẽ.
5 giờ sáng và trời đang mưa cũng không ngăn được một nhóm những người tình nguyện trong làng dậy sớm để quét dọn đường sá. Và mỗi ngày, những con đường trong làng được quét đi quét lại không biết bao nhiêu lần.
“Hội đồng làng có thuê một số người quét dọn đường, nhưng nhiều người dân tự nguyện thay phiên nhau quét dọn nhiều lần trong ngày, bởi chúng tôi không đủ tiền để trả cho nhiều người như thế”, Henry Khyrrum, một tình nguyện viên trẻ cho hay.
Tất cả mọi con đường đều đặn được “điểm xuyến” những thùng rác làm bằng tre. Mỗi mẩu rác và hầu như mỗi một lá cây rơi xuống đều lập tức được dọn dẹp.
Túi nilong hoàn toàn bị cấm trong làng và tất cả các loại rác thải đều thân thiện với môi trường. Rác được đưa tới một chiếc hố đào trong cánh rừng gần làng để chúng phân hủy thành phân bón.
Dân làng cho biết chính những bài học về vệ sinh ở trường học đã dạy cho bọn trẻ biết cách gìn giữ môi trường xung quanh xanh sạch ngay từ khi còn bé.
Nguồn nước sạch và vệ sinh đã là một vấn đề lớn ở các thành phố đông đúc của Ấn Độ. Ở các làng mạc, điều này còn là một thách thức lớn hơn. Nhiều vùng nước sạch, vệ sinh hầu như không tồn tại. Tuy nhiên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đã trở thành một bản năng tự nhiên của hầu hết người dân nơi đây.
Tín ngưỡng tôn thờ tự nhiên
“Hội đồng làng có đưa ra hình thức phạt đối với ai bị phát hiện ném rác, chặt cây. Bạn thấy đấy, phạt chỉ một đô-la cho mỗi lần. Nhưng do bị xấu hổ và vì lòng tự trọng mà họ tuân thủ quy định rất tốt”, người đứng đầu làng cho hay.
“Bên cạnh đó, hội đồng làng còn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh rất nghiêm ngặt ở mỗi nhà. Các phân xưởng cũng được tổ chức để mọi người ý thức được mối nguy hiểm của hiện tượng ấm lên toàn cầu”.
Các chuyên gia cho biết Mawlynnong, giống như phần còn lại của bang, có hệ thống quản lý địa phương rất hiệu quả. Xã hội theo chế độ mẫu hệ (đất đai được thừa kế cho phụ nữ) khiến phụ nữ có quyền quyết định về kinh tế nhiều hơn.
Ngoài ra, người dân tộc Khasi ở làng còn nổi tiếng là những người sùng bái tự nhiên. Và lòng tôn kính tự nhiên này được “vận dụng” hiệu quả trong việc bảo vệ rừng.
Thambor Lyngdoh, phụ trách khu rừng cộng đồng linh thiêng ở một làng kế cận, cho biết mặc dù nhiều người Khasi là “những người tôn sùng tự nhiên” nhưng động lực để họ sống sạch sẽ, chịu khó học hành không phải chỉ do niềm tin tôn giáo.
“Thậm chí ngày nay, chúng tôi vẫn đưa ra những quy định nghiêm khắc về việc khai thác rừng”, ông nói. “Mọi người được phép lấy bất kỳ thứ gì họ cần trong rừng để phục vụ cho việc sử dụng của họ. Nhưng họ không thể lấy bất kỳ thứ gì để phục vụ cho mục đích thương mại”.
Làng Mawlynnong đã chiếm được một vị trí đáng nể trên bản đồ du lịch của bang chính nhờ sự sạch sẽ của làng. Hàng trăm khách tham quan từ khắp Ấn Độ tới viếng thăm làng mỗi năm và hầu hết đều ấn tượng bởi những gì được chứng kiến.
“Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi này. Tôi thực sự muốn chúc mừng những người dân làng. Họ đã làm nơi này thật đẹp, thật sạch”, khách du lịch tên Sanjay Saraogi nhận xét. Một du khách khác là Euginea cho rằng cả đất nước nên học theo Mawlynnong.
Thành công của Mawlynnong hoàn toàn là do sáng kiến của địa phương. Và sáng kiến đó thành công tới mức chính quyền bang đã đã phát động một chiến dịch du lịch sinh thái trong khu vực, nhưng người dân lại đang phản đối.
Deepak Laloo, thành viên của Diễn đàn Phát triển Du lịch Meghalaya, cho hay.“Người dân ở đây có tính tự quyết rất cao. Họ tuân thủ một số quy định theo cách truyền thống. Họ không muốn chính phủ mượn ý tưởng từ bên ngoài và áp đặt vào họ”.