Cà Mau: Phát triển du lịch bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật: 07/11/2023
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, với mục tiêu hướng khách du lịch đến các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Cà Mau, Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Du lịch gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường và các hệ sinh thái sinh sống hiện tại và tương lai trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, tại hộ du lịch cộng đồng Nguyễn Văn Nhuần (Tư Nhuần), xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở VHTTDL cho biết, thông qua hội thảo nhằm tìm giải pháp giúp ngành du lịch Cà Mau thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững.

Báo cáo đề dẫn, ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở VHTTDL, cho biết Cà Mau đang tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2030.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, với mục tiêu hướng khách du lịch đến các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, đặc biệt là cuộc sống của cộng đồng người dân địa phương, đồng thời đảm bảo tính nghiêm ngặt về sự nguyên vẹn của đời sống văn hoá cộng đồng và môi trường.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh

Tuy nhiên, phần lớn các điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại Cà Mau chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên là hệ sinh thái rừng ngập, kinh doanh hoạt động vận chuyển khách tham quan bằng phương tiện địa phương (đi vỏ lãi ra bãi bồi ngắm cảnh biển), phục vụ trải nghiệm (thu hoạch tôm, soi ba khía, câu cá…) và cung cấp ẩm thực đặc sản địa phương (hàu, cua biển, cá đồng,…). Đây là những loại hình dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai. 

Ngoài ra, các vấn đề của BĐKH như xâm nhập mặn, bão, lũ, hạn hán thất thường… gây hư hại kiến trúc và cảnh quan nhiều công trình di tích lịch sử văn hoá của tỉnh. Hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch (nhà cửa, đường xá, cầu cống, bến tàu,…) cũng bị hư hỏng hoặc xuống cấp dưới tác động của sạt lở, xói mòn và thay đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm. Sạt lở thường xảy ra ở vùng ven sông, cửa biển đe doạ an toàn hoạt động giao thông thuỷ.

Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý điểm đến, cộng đồng người dân của tỉnh Cà Mau cần tiếp tục nhận diện, đo lường và dự báo những kịch bản ứng phó tác động BĐKH trong chiến lược phát triển ngành du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Văn Nhuần (bìa phải) cho biết, các hộ làm du lịch cộng đồng ở Đất Mũi luôn hiểu rằng, họ chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra

Thực trạng trên là thách thức lớn đối với ngành du lịch của tỉnh. Sự tổn thương hệ sinh thái rừng ngập do BĐKH gây ra dẫn đến các điểm du lịch sinh thái cộng đồng có nguy cơ đóng cửa trong tương lai gần do suy giảm nguồn tài nguyên tự nhiên, hộ gia đình hoặc cá nhân buộc phải di tản đến vùng khác và cảnh quan giảm sức hút so với kỳ vọng của du khách.

“Do vậy, hội thảo trao đổi các vấn đề chuyên sâu và thực tiễn gắn liền với phát triển ngành du lịch, từ đó giúp Cà Mau tìm ra biện pháp thích nghi và ứng phó, định hướng phát triển, khai thác sản phẩm du lịch mới phù hợp với tình hình thực tế", ông Tiêu Minh Tiên nhấn mạnh.

PGS. TS Đào Ngọc Cảnh, Khoa Du lịch và Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Đại học Nam Cần Thơ, phát biểu tham luận

Hội thảo đã nhận được gần 20 tham luận từ các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch đóng góp nhiều ý kiến sát thực, phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp như: Có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho ngành du lịch; đầu tư các giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với lũ lụt, hạn hán, sạt lở, nhất là tại các địa phương ven biển, cửa sông; xây dựng kế hoạch ứng phó hoặc định hướng phát triển sản phẩm mới thích ứng BĐKH của ngành du lịch trong không gian thống nhất với các lĩnh vực, ngành nghề khác có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai thực hiện; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH đối với cộng đồng dân cư, nhất là cư dân vùng ven biển và các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ và trẻ em; dự đoán các kịch bản BĐKH và nước biển dâng, tính toán các ảnh hưởng, tác động tiêu cực của BĐKH…

ThS Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, mong các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch tiếp tục quan tâm, gợi ý giải pháp và hỗ trợ tỉnh trong phát triển ngành du lịch

ThS Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, nhấn mạnh: “Cà Mau có lợi thế, tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch cực kỳ lớn nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và cũng đối mặt với nhiều thách thức từ BĐKH. Do đó, thông qua các tham luận và thảo luận của hội thảo, tỉnh có cơ sở để nghiên cứu tính ứng dụng thực tế để Cà Mau chủ động ứng phó và xây dựng sản phẩm du lịch mới thích ứng. Mong rằng các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch tiếp tục quan tâm, gợi ý, hỗ trợ tỉnh thích ứng với BĐKH để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng theo hướng bền vững”./.

Băng Thanh - Hữu Nghĩa

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.com.vn - Ngày đăng 07/11/2023