Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Sóc Trăng đã và đang phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, gồm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch biển.
Sóc Trăng là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh và nét đặc trưng riêng, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch; đặc biệt, đã hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc trưng về du lịch như: Du lịch văn hóa tâm linh qua hệ thống hàng trăm ngôi đình, chùa của đồng bào Kinh, Khmer, Hoa với nét kiến trúc độc đáo và mang nét đặc trưng riêng biệt, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, toàn tỉnh có 93 chùa Khmer, với nét kiến trúc độc đáo và mang nét đặc trưng riêng biệt, đây cũng là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi đến với Sóc Trăng. Ngoài ra, các Lễ hội như Cúng Phước Biển, Thác Côn (lễ hội Cúng dừa), Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo hàng năm đón khoảng 100.000 lượt khách xem trực tiếp, trên 400.000 lượt khách thông qua mạng xã hội, trong đó khách ngoài tỉnh và quốc tế trên 20.000 lượt.
Tỉnh cũng đã hình thành 3 cụm du lịch cộng đồng ở huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Cù Lao Dung; đi kèm cái dịch vụ du lịch như đưa xe điện phục vụ khách tham quan, cho khách chèo xuồng tại chợ nổi Ngã Năm, đưa phà cho khách vui chơi tại quanh rừng bần ngập mặn Cù Lao Dung. Sóc Trăng cũng đã xây dựng các mẫu quà lưu niệm, như: mô hình ghe Ngo thu nhỏ, tranh phù điêu, tranh gạo, hình lưu niệm để bàn, móc khóa hình các ngôi chùa, hình các món đặc sản tỉnh Sóc Trăng…
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng luôn thu hút đông đảo khách du lịch đến tham gia. Ảnh: BTN.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian qua, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã được đổi mới; liên kết, phát triển tuyến, tour du lịch đã tạo được hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa mạnh, đạt hiệu quả tốt, tạo được thương hiệu tốt về du lịch Sóc Trăng, từ đó mở rộng được thị trường, liên kết trên 45 công ty lữ hành khu vực miền Bắc, Trung, TP. HCM thường xuyên có tour đưa khách về Sóc Trăng. Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Sóc Trăng đạt khoảng 2,8 triệu lượt (tăng 2,8 lần so với năm 2020), doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2020). Trong 10 tháng năm nay, có 2,4 triệu lượt khách du lịch đến với Sóc Trăng, mang lại doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng (vượt 18% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đang đối diện với một số khó khăn như: sản phẩm du lịch đặc thù còn ít; thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách lưu trú; hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp (chưa có khách sạn 4, 5 sao); chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hoá, di tích lịch sử; nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu… Theo đánh giá của một số chuyên gia, các đơn vị lữ hành, khách du lịch chưa coi Sóc Trăng là điểm đến phải “ở lại”, mà chỉ là nơi “đi qua”. Ngành du lịch Sóc Trăng cũng đang thiếu các nhà đầu tư tạo ra sự đột phá. Trong tương lai, với việc hình thành các tuyến giao thông đường bộ đi qua Sóc Trăng, cùng với cảng biển nước sâu Trần Đề sẽ tạo cơ hội rất lớn cho ngành du lịch tỉnh này phát triển.
UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; được xem là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn đang được chú trọng đầu tư và ngày càng có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế chung của đất nước. Đối với tỉnh Sóc Trăng, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, ngày 02/8/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với quan điểm “du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, văn hóa, con người Sóc Trăng”.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khung pháp lý quan trọng, làm căn cứ để triển khai các chương trình phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo đó, ngành du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng.
Sóc Trăng phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, gồm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch biển. Ảnh: BDV.
Nhiều ý kiến cho rằng, để ngành du lịch của tỉnh Sóc Trăng phát triển thì các sản phẩm du lịch phải không ngừng đổi mới để tạo ra sự hấp dẫn, đa dạng và mang tính định vị cao. Đồng thời, tỉnh cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch phát triển du lịch; tăng cường huy động nguồn vốn và đầu tư để phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường liên kết không gian du lịch, sản phẩm du lịch, cũng như ứng dụng tốt khoa học và công nghệ vào dịch vụ du lịch, số hóa ngành du lịch.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cần ưu tiên phát triển các vùng du lịch mang tính động lực (như TP Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung, huyện Vĩnh Châu) để tăng khả năng giữ khách, tạo doanh thu lớn; đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch sông nước, du lịch đêm. Bởi, du khách không thể đến Sóc Trăng mà chỉ để trải nghiệm du lịch tâm linh, trong khi tiềm năng để phát triển du lịch của Sóc Trăng là rất lớn.
Thời gian tới, tỉnh đang tập trung triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch, quan trọng của vùng như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến động lực ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐBSCL; dự án cầu Đại Ngãi kết nối tuyến Quốc lộ 60 đến các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, phát triển hành lang kinh tế ven biển gắn với dịch vụ logistics, các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư 2 dự án thuộc lĩnh vực du lịch gồm: dự án Sân golf tại xã Song Phụng, huyện Long Phú và dự án Khu lâm viên, vui chơi giải trí, tham quan du lịch tại thành phố Sóc Trăng.
Để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển du lịch gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Chuyển đổi số trong du lịch.
Tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch gắn với kêu gọi đầu tư về du lịch để phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch.
Vũ Loan