Gần 30 cổ thụ trên cả nước đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cập nhật: 10/11/2023
Trong đợt xét duyệt lần này, trên địa bàn Hà Nội có 16 cây cổ thụ nằm trong danh sách đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam, trong đó có nhiều cây trên 300 năm tuổi.

Trong buổi họp xét duyệt chiều 8/11, các chuyên gia trong Hội đồng Cây Di sản Việt Nam nhất trí thông qua danh sách đề cử 27 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam. Theo đó, 27 cây cổ thụ tại các tỉnh, thành phố (TP. Hà Nội, tỉnh Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên – Huế, Bến Tre). Hà Nội là địa phương có nhiều cây cổ thụ nhất được xét duyệt trong đợt này với 16 cây. Tỉnh Cao Bằng có 7 cây được công nhận đủ tiêu chí Cây Di sản Việt Nam (huyện Nguyên Bình và huyện Hoà An).

Cây đa tía hơn 1.000 năm (Cây Di sản) ở làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Phương

Tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc mỗi nơi có 01 cây được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam đó là cây Đa gần 300 năm bên chùa Xuân Lôi, xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập và cây Đa gần 500 năm, chu vi thân 7,8 m; chiều cao 25 m trong khuôn viên đình Xạ Hưng, thôn Phô Cóc, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế có 1 cây (cây Bàng 130 tuổi, chu vi thân gần 4,5 m, trong khuôn viên trường PTCS thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) và tỉnh Bến Tre có 1 cây (cây Đa hơn 120 năm trong khuôn viên đình Tân Hưng, ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại).

Được biết, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã có văn bản báo cáo, đề xuất Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ký Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với 27 cây cổ thụ trên.

Phạm Dung

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 09/11/2023