Đang độ cuối mùa mưa, rừng Yok Đôn - Đắk Lắk hiện ra xanh mướt và căng tràn sức sống. Trên những cung đường dẫn vào vùng lõi vườn quốc gia rộng lớn này, nhiều khoảnh rừng đang được tái sinh đúng nghĩa với sinh cảnh rừng khộp, xen lẫn rừng nhiệt đới bán thường xanh.
Có thể nói, hệ sinh thái dưới “mái nhà” Yok Đôn dần phục hồi hoàn chỉnh, bù đắp vào những mảng miếng từng bị tổn thương do vấn nạn xâm hại rừng diễn ra trong nhiều năm qua.
Rừng đã bình yên trở lại
Nói như chị Hoàng Thị Hạnh, cán bộ pháp chế Vườn Quốc gia Yok Đôn rằng: Rừng ở đây như một cơ thể ngày càng lành lặn, khỏe mạnh hơn nhờ công tác bảo vệ, quản lý được chú trọng tăng cường. Rừng Yok Đôn đã bình yên trở lại nhờ tình trạng “ăn rừng” được kiểm soát và hạn chế ở mức thấp nhất theo hướng năm sau ít hơn năm trước.
Nếu như những năm trước đây (2010 – 2020) số vụ vi phạm lâm luật lên đến con số hàng trăm, thì vài năm trở lại đây đã giảm đi một cách đáng kể. Ví như năm 2022, số vụ vi phạm lâm luật được lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý gần 70 vụ thì hơn 10 tháng đầu năm 2023, con số này đã giảm một nửa và nhờ đó so với các năm trước, rừng ở đây vơi dần áp lực đè nặng.
Thân thiện với voi trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: M. Thuận
Anh Phạm Trung Kiên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 6 chia sẻ: Áp lực đè nặng lên rừng không còn “nóng bỏng” như trước là nhờ đời sống của người dân vùng đệm ngày càng được cải thiện; những dự án nông - lâm nghiệp và dịch vụ, du lịch được Nhà nước cùng doanh nghiệp đầu tư vào Buôn Đôn đã tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình nghèo vươn lên, nên họ hạn chế việc vào rừng để mưu sinh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động bà con nhận khoán bảo vệ rừng được tăng cường về cả nhận thức lẫn diện tích được giao cho họ làm chủ. Đến nay đã có hơn 3.200 ha rừng được người dân và cộng đồng ở các xã Ea Huar, Ea Wen, Krông Na nhận quản lý, bảo vệ khá hiệu quả; nhờ thế rừng Yok Đôn từng bước được xác lập chủ thể và nhanh chóng phục hồi.
Giờ đây, lực lượng kiểm lâm của vườn đã bớt căng thẳng, xung đột với “thế lực ăn rừng” từ bên ngoài đổ vào và nhờ đó có điều kiện cùng chủ rừng tuần tra, bảo vệ vốn tài nguyên lâm sinh quý giá của vườn quốc gia này. Đặc biệt là ở các vùng lõi có diện tích hàng chục nghìn héc-ta sở hữu tính đa dạng sinh học phong phú (với hơn 1.000 loài thực vật, gần 660 loài động vật sinh sống) luôn được lực lượng bảo vệ rừng Yok Đôn chốt trực ngày đêm nhằm hạn chế những tác động tiêu cực xảy ra.
Giữ rừng để phát triển du lịch
Anh Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn nhìn nhận: Một khi rừng có bình yên thì mới phát triển du lịch được - và trên thực tế điều đó ngày càng hiện diện sinh động ở đây.
“Mái nhà” Yok Đôn đang thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi tháng nhờ những sản phẩm du lịch đặc thù và có thế mạnh như: thân thiện với đàn voi nhà; ngồi thuyền máy ngắm cảnh sắc thiên nhiên theo dòng Sêrêpốk; dạo chơi bằng xe địa hình để tìm hiểu các loài chim và thú rừng; cắm trại giữa thiên nhiên hoang dã và lưu trú qua đêm…
Những loại hình du lịch này đang được hoàn thiện, kết nối ngày càng toàn diện, bền vững và hiệu quả hơn nhằm đáp ứng nhu cầu “trở về với thiên nhiên” của du khách, đồng thời gia tăng cảm xúc trải nghiệm cũng như nâng cao thời gian lưu trú tại điểm đến này.
Giải chạy địa hình Yok Đôn Discovery Trail run do Vườn Quốc gia Yok Đôn tổ chức thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, chiêm ngưỡng các cung đường rừng. Ảnh: Hồng Hà
Hơn thế, tại các trạm/chốt bảo vệ rừng Yok Đôn, nhân viên và cán bộ kiểm lâm cũng tham gia làm du lịch dựa trên tài nguyên rừng ở đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho ngành kinh tế quan trọng này.
Anh Đoàn Chí Linh, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 2 cho hay: Du khách khi đến đây còn được anh em đưa đi câu cá, ngắm lan rừng dọc theo đập tràn Cây Lăng, sau đó cùng nhau dự tiệc ẩm thực được chế biến từ nguồn nguyên liệu phong phú của thiên nhiên ban tặng (cá, tôm, cua đá và các loại rau rừng). Còn với Trạm Kiểm lâm số 6 thì du khách có thể thỏa mãn tour du lịch văn hóa, sinh thái một cách đầy đủ và đúng nghĩa hơn.
Theo anh Phạm Trung Kiên, ngoài các hoạt động trên, du khách đến đây sẽ được đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Êđê tại buôn Đrăng Phốk, bơi thuyền trên hồ thủy lợi Suối Hồng, đốt lửa trại và thưởng thức món thịt nướng (gà, heo, dê, thậm chí cả bò) do anh em trong trạm tăng gia được.
Có thể nói, dưới “mái nhà” Yok Đôn hiện nay, bất kỳ ai đến đây cũng đều cảm nhận được sự bình yên của thiên nhiên cũng như con người đã hiện rõ. Chính sự bình yên đó là điều kiện, cơ hội để vườn quốc gia này gìn giữ, phát triển xứng tầm với vốn tài nguyên rừng quý giá trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và khoa học ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.
Đình Đối