Ngày 12/11/2023, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển Sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thông tin, đơn vị vừa phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thả 19 cá thể động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên tại Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Các cá thể động vật hoang dã trên đã được Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật kiểm tra, xác nhận tình trạng sức khỏe bình thường, đủ thời gian cách ly kiểm dịch, đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên.
Trong số 19 cá thể có 6 cá thể khỉ cọc Macaca arctoides); 2 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca leonina); 1 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons); 1 cá thể rùa sa nhân (Cuora mouhotii); 3 cá thể rùa núi viền (Manouria impressa); 2 cá thể mèo rừng (Prionailurus bengalensis); 4 cá thể cu ly nhỏ (Nycticebus pygmaeus). Trước đó, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật đã tiếp nhận các cá thể này từ các cơ quan chức năng và từ người dân tự nguyện giao nộp. Trong quá trình cứu hộ, chăm sóc, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và kết luận các cá thể nói trên có sức khỏe bình thường, đủ thời gian cách ly kiểm dịch, đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên. Sau khi được thả, 19 cá thể động vật nêu trên đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập ngay với môi trường tự nhiên.
Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm cũng đã cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên nhiều cá thể động vật quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển khác. Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiến hành thả 17 cá thể động hoang dã sau khi đã hoàn tất công tác cứu hộ và kiểm dịch về với môi trường tự nhiên, gồm 1 cầy vòi hương (Paradoxurus hemaphroditus); 1 cầy vòi mốc (Paguma larvata); 2 khỉ vàng (Macaca mulatta); 1 khỉ đuôi lợn (Macaca leonina); 1 rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti); 3 rùa sa nhân (Cuora mouhotii); 3 rùa Pulkin (Cyciemys puichristriata); 1 rùa bốn mắt (Sacalia quadirocellata); 1 dúi mốc (Rhizomys pruinosus); 1 kỳ đà hoa (Varanus salvator) và 2 don (Atherurus macrourus). Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, IIB theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Ngay sau khi được thả, các cá thể động vật hoang dã đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường tự nhiên.
Hương Mai