Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, sáng 23/11, Bảo tàng Phú Yên tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề về gốm cổ Quảng Đức, Phú Yên. Triển lãm với tên gọi “Dấu ấn một dòng gốm cổ”, diễn ra từ ngày 23/11-31/12 tới.
Những hiện vật gốm Quảng Đức Phú Yên được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên.
Triển lãm trưng bày 90 hiện vật gốm Quảng Đức đã được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, gồm các loại hình gốm tráng men như ché, nậm rượu, bình vôi, hũ vôi, lư hương…; gốm không tráng men như thống, lu, chum, chậu kiểng, bình hoa, hòn kê, hũ, thố, muỗng, chân đèn, cỗ bồng, lư hương, đôn, cối, ghè, đĩa, chén, nồi lửa, bình trà, ấm…
Triển lãm cũng giới thiệu 115 bức ảnh về vị trí, không gian làng gốm Quảng Đức, thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An và vùng phụ cận; hình ảnh hoạt động khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm của các chuyên gia, nhà sưu tập; hình ảnh hoạt động của các nghệ nhân làng gốm Quảng Đức trong quá khứ; hình ảnh một số hiện vật gốm Quảng Đức tiêu biểu và đặc tả chi tiết hoa văn trang trí trên sản phẩm gốm Quảng Đức…
Giám đốc Bảo tàng Phú Yên Nguyễn Hữu An cho biết, tại trưng bày này, có 90 hiện vật gốc và 115 hình ảnh cùng một số nội dung giới thiệu chung và trích dẫn giới thiệu tóm lược về quy trình làm gốm Quảng Đức, về lò nung gốm, về giá trị một số hiện vật hoặc nhóm hiện vật tiêu biểu, ý nghĩa của các hình tượng trang trí trên gốm Quảng Đức…Qua đây nhằm giới thiệu, phổ biến rộng rãi những giá trị đặc sắc của dòng gốm Quảng Đức, một dòng gốm cổ ở Phú Yên, một di sản văn hóa tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa của địa phương.
Hình ảnh về lò gốm nung Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Theo ông Nguyễn Hữu An, từ giữa thế kỷ 20 trở lại đây, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, làng nghề gốm Quảng Đức dần mai một, bí quyết kỹ thuật làm gốm tráng men theo phương pháp truyền thống đã bị thất truyền. Nhận thấy gốm Quảng Đức là một dòng gốm tiêu biểu của địa phương, các sản phẩm gốm Quảng Đức là di sản văn hóa quý giá, từ nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh đã tập trung sưu tầm, xây dựng thành sưu tập, đưa vào bảo quản, lưu giữ và liên tục bổ sung, nâng tầm giá trị sưu tập hiện vật gốm Quảng Đức.
Ngoài sưu tập của bảo tàng, những năm qua, nhiều nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh đã quan tâm đến gốm cổ Quảng Đức và có nhiều hoạt động phát huy giá trị của dòng gốm này. Triển lãm lần này mong muốn công chúng trong và ngoài tỉnh được biết đến một trong những di sản văn hóa tiêu biểu trên vùng đất Phú Yên.
Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc hằng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Từ đó đến nay, việc tổ chức ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, các nhà nghiên cứu, sưu tầm trong việc phát huy giá trị Di sản Văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.
Khách tham quan triển lãm "Dấu ấn một dòng gốm cổ".
Nhân dịp này, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên cho biết: “Việc trưng bày, triển lãm theo lối truyền thống là rất cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, truyền thông trên không gian mạng cũng rất quan trọng, nhất là đối với giới trẻ, học sinh, sinh viên vì hầu hết các em đều sử dụng mạng xã hội. Tất nhiên là càng cần thiết đối với du khách nước ngoài. Chính vì thế mà việc số hóa di sản để đưa lên không gian mạng, xây dựng bảo tàng ảo là việc cần làm ngay".
"Tôi có chọn và số hóa một số gốm cổ Quảng Đức tiêu biểu, xây dựng demo không gian tham quan ảo, nhưng chi phí còn rất cao. Điều này rất cần ngành Văn hóa Thể thao Du lịch kiến nghị với tỉnh sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các sưu tập tư nhân thực hiện", nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên giới thiệu không gian trưng bày tại triển lãm với khách tham quan.
Theo ông Trần Thanh Hưng, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy định sửa đổi, bổ sung Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Trong đó có nền tảng bảo tàng số ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần hơn với người xem. Các tư liệu, hiện vật được số hóa dưới dạng 2D, 3D, xây dựng video clip, liên kết các mảnh ghép của không gian, thời gian thành các câu chuyện hiện vật sống động, truyền tải tới người xem trực tiếp cũng như qua các kênh trực tuyến, internet, thiết bị di động hoặc trình chiếu ngoài trời.
Trình Kế