Tỉnh Thái Bình đang tập trung bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch để đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Tiềm năng mở
Trong xu thế hội nhập và cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, du lịch làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, phát triển du lịch làng nghề được cho là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều địa phương ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch.
Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn hoa thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Tại Thái Bình, du lịch làng nghề được xác định là một trong những loại hình du lịch đặc thù, có thế mạnh và tiềm năng phát triển phong phú. Đặc biệt, khi hệ thống hạ tầng được đầu tư phát triển, việc kết nối các điểm đến văn hóa - lịch sử - làng nghề - sinh thái điển hình đã tạo nên các tour du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, Thái Bình hiện có rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống như chạm bạc Đồng Xâm, bánh cáy làng Nguyễn, thêu Minh Lãng, chiếu Hới, dệt Phương La, làng vườn Bách Thuận,… Đó là những tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, độc đáo có sức cuốn hút mạnh mẽ khách du lịch tìm đến với Thái Bình.
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm - xã Hồng Thái - Kiến Xương thu hút du khách đến trải nghiệm
Theo đại diện HTX dệt đũi Nam Cao, du khách quốc tế biết đến làng nghề thông qua các kênh truyền thông hoặc qua chính chương trình giới thiệu sản phẩm của HTX tại các nước. Đây là thuận lợi trong phát triển du lịch của làng nghề dệt đũi Nam Cao. Từ đầu năm đến nay, làng nghề đón khoảng 15.000 lượt khách nội địa, 10.000 lượt khách quốc tế, các tour đều diễn ra trong ngày.
Còn đại diện Trang du lịch Bay Nhé chia sẻ: “Mỗi làng nghề tại Thái Bình giống như một viện bảo tàng sống động về văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách. Đến thăm các làng nghề truyền thống tại Thái Bình, bên cạnh việc tìm hiểu lịch sử làng nghề, tìm hiểu quy trình kỹ thuật làm ra sản phẩm, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống cộng đồng ở nông thôn, chọn mua các mặt hàng thủ công truyền thống với giá cả phải chăng, thưởng ngoạn cảnh quan yên bình đặc trưng của làng quê Bắc Bộ và được tham dự nhiều sinh hoạt dân gian phong phú. Vì vậy, việc bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch là hết sức quan trọng để góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương”.
Chú trọng phát huy giá trị
Được biết, tỉnh Thái Bình hiện có 141 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Trong đó, có 102 làng nghề còn duy trì hoạt động sản xuất, 18 làng nghề hoạt động cầm chừng và 21 làng nghề không còn hoạt động. Dù được đánh giá là mảnh đất nhiều tiềm năng để khai phá, đẩy nhanh các hoạt động du lịch, tuy nhiên nhiều năm nay lĩnh vực này ở tỉnh Thái Bình vẫn chưa có bước chuyển mình thực sự mạnh mẽ.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề, tỉnh Thái Bình hiện đang xây dựng Đề án Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Xã Nam Cao - một trong những địa phương nổi tiếng của huyện Kiến Xương, nơi có làng nghề truyền thống ươm tơ, dệt đũi được hình thành và phát triển hơn 400 năm nay (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Kiến Xương)
Theo đó, đề án nhằm gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống, kết hợp bí quyết gia truyền sản xuất thủ công với máy móc, công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đa dạng hóa sản phẩm, phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống gắn với du lịch, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có trên 70% làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả, ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo chương trình OCOP. Đến năm 2030, phát triển được 5 làng nghề gắn với du lịch, ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu.
Theo ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, việc ban hành đề án là hết sức cần thiết. Do vậy, đề nghị các đơn vị liên quan cần điều chỉnh lại mục tiêu số lượng nghề, làng nghề truyền thống cần khôi phục, bảo tồn phù hợp; đề xuất phương án, mức hỗ trợ tạo động lực cho phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, tiếp tục hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh.
Thực tế, các sản phẩm của các làng nghề, phố nghề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển du lịch Thái Bình. Nhưng để du lịch làng nghề tạo ra dấu ấn riêng, khẳng định thương hiệu thì cần có sự chung tay của hiệp hội, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, việc quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển hạ tầng; quy hoạch, sắp xếp hợp lý làng nghề; xây dựng phòng trưng bày sản phẩm làng nghề… cũng là những giải pháp cần tính toán để hấp dẫn du khách.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, là điểm đến hấp dẫn du khách và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tỉnh Thái Bình đã xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp thu hút khách du lịch. Trong đó, phát triển du lịch tham quan làng nghề truyền thống gắn với văn hóa ẩm thực và các đặc sản tự nhiên. Các hoạt động này được tổ chức tại các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền, thêu Minh Lãng, vườn Bách Thuận, bánh cáy Nguyên Xá, chiếu Hới,…và tại các khu, điểm du lịch; Du lịch cuối tuần kết hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển: Cồn Đen, Cồn Vành và vùng rừng ngập mặn đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004.
Còn theo đại diện HTX dệt đũi Nam Cao, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hiện nay HTX đang tích cực triển khai khu sản xuất tập trung và tham quan trải nghiệm. Khi khu sản xuất tập trung và tham quan trải nghiệm được hoàn thiện sẽ không chỉ là điểm đến lý tưởng đối với du khách trong nước và quốc tế mà còn góp phần tăng thêm trải nghiệm, giúp du khách lưu trú tại Thái Bình lâu hơn. Từ đó, hình thành các tour du lịch kết nối giữa làng nghề dệt đũi Nam Cao với đa dạng điểm đến về văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hải Ngân