Vườn quốc gia Tà Đùng nằm trên khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, đây là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, có giá trị quan trọng trong bảo tồn các loài gen đặc hữu và phòng hộ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, do có địa hình phức tạp, người dân có lịch sử canh tác lâu đời trong vùng lõi nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Tà Đùng gặp nhiều thách thức.
Vườn quốc gia Tà Đùng tổ chức tiếp nhận và thả động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên.
Nằm trên địa giới hành chính của xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, Vườn quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên là khoảng 21.000ha, có tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi. Tà Đùng có thảm thực vật rừng rộng lớn với sự đa dạng của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp cho sự cư trú, sinh trưởng, phát triển của khu hệ động vật phong phú.
Theo kết quả điều tra, Vườn quốc gia Tà Đùng có hơn 1.400 loài thực vật với 89 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, 59 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; khoảng 650 loài động vật với 70 loài nguy cấp quý hiếm, 61 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn, một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt – một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Do đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tà Đùng luôn được đặt lên hàng đầu.
Đa dạng các loài động vật, thực vật tại Vườn quốc gia Tà Đùng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm Vườn quốc gia Tà Đùng Nguyễn Văn Đồng cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tà Đùng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, dân di cư ngoài quy hoạch diễn biến phức tạp có nguy cơ tác động đến công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học bất cứ lúc nào. Mặt khác, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân có lịch sử canh tác lâu đời đang sinh sống trong vùng lõi rất khó quản lý, có nguy cơ tác động đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ việc săn bắn, khai thác các sản vật rừng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã phát hiện và tháo gỡ 212 bẫy thú, 5 lán trại dựng trái phép trong rừng, phát hiện và xử lý 1 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp…
Tăng cường phối hợp với các trường đại học và các tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học tại vườn quốc gia góp phần từng bước ổn định cơ sở dữ liệu về bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tà Đùng.
Hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, tài chính và đặc thù của địa hình tự nhiên tác động đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Tà Đùng nhưng Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Đắk Nông đã triển khai đồng bộ, quyết liệt với các giải pháp căn cơ, từng bước khắc phục khó khăn, với quyết tâm bảo vệ tốt nhất không để xâm hại đến đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tà Đùng. Và thực tế, nhiều năm qua trên lâm phần đơn vị được giao quản lý, bảo vệ không xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã; liên tục trong 10 năm qua, trên lâm phần Vườn quốc gia Tà Đùng quản lý không xảy ra cháy rừng.
Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Đắk Nông phối hợp với các trường học tuyên truyền về bảo vệ đa dạng sinh học vườn quốc gia cho học sinh trên địa bàn.
Ngoài lực lượng chuyên trách thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng tập trung, Vườn quốc gia Tà Đùng còn tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 14 tổ bảo vệ, với 153 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng tham gia bảo vệ với diện tích hơn 3.000ha. Mục đích của việc giao khoán là để huy động sức dân tham gia phối hợp quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời tạo sinh kế bền vững cho bà con, cộng đồng các dân tộc thiểu số sống gần rừng, hạn chế xâm hại đến rừng, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động, thực vật trong và đa dạng sinh học vườn quốc gia, vùng đệm.
Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Đắk Nông tổ chức tuyên truyền về bảo vệ đa dạng sinh học đến người dân vùng đệm và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng.
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Đắk Nông Khương Thanh Long cho biết, song song với các giải pháp nêu trên, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Đắk Nông luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng, lợi ích của rừng, phổ biến Luật Lâm nghiệp, … cho người dân sinh sống chung quanh vườn quốc gia. Tăng cường phối hợp với các Trường đại học và tổ chức trong nước như: Đại học Lâm nghiệp; Đại học Tây Nguyên; Trung tâm nhiệt đới Việt Nga; Viện Sinh học Nhiệt đới; Viện Sinh thái rừng,… thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia như điều tra cây gỗ lớn tại Vườn quốc gia Tà Đùng, điều tra khu hệ nấm,… góp phần từng bước ổn định cơ sở dữ liệu về bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tà Đùng. Cùng với đó, đơn vị cũng được sự quan tâm của chính quyền địa phương, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức đối tác trong lĩnh vực lâm nghiệp nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại đơn vị luôn được bảo đảm, luôn hài hòa giữa nhiệm bảo tồn thiên nhiên gắn với hỗ trợ người dân dân phát triển sinh kế bền vững.
“Để công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được tốt hơn, hiện tại đơn vị đang nâng cấp và phát triển cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, bảo tồn hệ động vật, thực vật và hệ sinh thái của Vườn quốc gia Tà Đùng. Đẩy mạnh việc hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn quốc gia Tà Đùng nói riêng và Việt Nam nói chung.” ông Long nhấn mạnh.
Chấn Hưng - Khải Hoàn