Rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc gia. Ngành Lâm nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục diện tích rừng bị suy thoái.
Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết, cả nước đã thiết lập được hệ thống rừng đặc dụng với 167 khu, tổng diện tích đất tự nhiên là 2,394 triệu ha. Còn rừng phòng hộ có 5,512 triệu ha, trong đó diện tích đất có rừng là 4,646 triệu ha. Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng và nghiên cứu khoa học.
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, trong số diện tích rừng đặc dụng có 1,165 triệu ha diện tích Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên là 1,029 triệu ha; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh là 0,069 triệu ha; Khu bảo vệ cảnh quan, di tích văn hóa - lịch sử là 0,120 triệu ha và rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học là 0,001 triệu ha. Có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích rừng đặc dụng.
Trong đó, một số tỉnh có diện tích rừng đặc dụng lớn nhất là: Đắk Lắk có 229.678 ha, Nghệ An có 173.738 ha, Quảng Bình có 146.588 ha, Quảng Nam có 130.286 ha, Đồng Nai có 102.828 ha; các tỉnh có diện tích rừng đặc dụng ít nhất là: Bình Dương có 260 ha, Bạc Liêu có 278 ha, Sóc Trăng có 300 ha. Rừng đặc dụng đang được bảo vệ như những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.
Cả nước đã thiết lập được hệ thống rừng đặc dụng với 167 khu, tổng diện tích đất tự nhiên là 2,394 triệu ha.
Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) khẳng định, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng và cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững. Diện tích các Vườn quốc gia được giao cho 34 Ban quản lý và được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập; trong đó có 6 Ban quản lý trực thuộc Cục Kiểm lâm; 21 Ban quản lý trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; 7 Ban quản lý trực thuộc Sở NN&PTNT các tỉnh.
Trong năm 2023, lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng đã tổ chức trên 99.800 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét tại rừng phát hiện, thu giữ và xử lý được 892 vụ vi phạm các quy định pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 45 vụ, xử lý hành chính 689 vụ; còn 158 vụ vi phạm chưa được xử lý. Cơ quan chức năng đã hỗ trợ 1.212 thôn/bản vùng đệm với tổng kinh phí trên 51 tỷ đồng. Tổ chức trồng được 1.465ha rừng đặc dụng (tăng 130% so với năm 2022); rừng phòng hộ là 3.485ha (giảm 5,7% so với năm 2022).
Các ban quản lý khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên được 26.340ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được 2.159ha. Đối với hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, cả nước có 228 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được nhận kinh phí với diện tích chi trả trên 4,3 triệu ha, tương ứng với số tiền là trên 1.663 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm gần 50% tổng diện tích rừng trên toàn quốc, hầu hết là rừng tự nhiên. Trong thời gian qua, hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ luôn được quan tâm đầu tư phát triển và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay chính sách pháp luật ngày càng được hoàn thiện và tăng cường thực thi pháp luật; đầu tư tài chính cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng; phát triển du lịch sinh thái và chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng được mở rộng và đời sống người dân sống ở vùng đệm và khu vực nông thôn miền núi được cải thiện.
Bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ góp phần bảo vệ hệ sinh thái tại khu vực này.
Cục Lâm nghiệp cho biết, nhờ thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên nên có thể khẳng định hệ sinh thái rừng vẫn còn được bảo vệ tương đối nguyên vẹn trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia. Do vậy, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững. Cục Lâm nghiệp cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, để xã hội hóa nghề rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng, trong Luật Đất đai sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, Bộ NN&PTNT có đề xuất sửa đổi một số điều như cho phép thuê môi trường rừng để trồng dược liệu.
Bộ NN&PTNT cũng tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định một số chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có đề xuất nâng định mức hỗ trợ người dân bảo vệ rừng. Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho các chính sách đầu tư, phát triển rừng cũng như thu hút các doanh nghiệp trong chế biến lâm sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ vẫn còn những tồn tại, khó khăn vướng mắc. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, săn bắn động vật hoang dã trái pháp luật diễn ra phức tạp. Việc lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra ở một số khu rừng đặc dụng, phòng hộ mà chưa có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý triệt để đã gây ra tác động tiêu cực đến bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ, đảm bảo an ninh môi trường rừng.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầu tư cho các ban quản lý còn thiếu; chính sách đầu tư bảo vệ rừng đối với hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ còn một số bất cập, chưa đáp ứng được mục tiêu và nhiệm vụ; việc khai thác, phát huy các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái rừng còn nhiều hạn chế; một số ban quản lý thời gian qua đã triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tuy nhiên đa số vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách...
Trong năm 2024, Cục Lâm nghiệp đề ra nhiệm vụ sẽ khôi phục 15% diện tích hệ sinh thái bị suy thoái; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở; tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ triển khai, áp dụng phần mềm SMART, đặt bẫy ảnh để quản lý thông tin tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học; xây dựng các bộ tiêu chí, chỉ số giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.
Đỗ Hương