Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa, phát huy nội lực, tranh thủ thu hút đầu tư trong xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập, trong đó ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch xanh.
Cán bộ huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh giải thích, vận động du khách không sử dụng đồ dùng từ nhựa dùng một lần khi lên đảo
Trong giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, tỉ trọng ngành công nghiệp của Quảng Ninh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách. Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng về cơ bản vẫn phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, cùng với việc khai thác than, các nhà máy sản xuất nhiệt điện, xi măng, đóng tàu tập trung bên bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã tác động không nhỏ đến môi trường du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển đảo, nguồn lợi thủy hải sản.
Tháng 9/2012, Quảng Ninh báo cáo Bộ Chính trị Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh”, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa, phát huy nội lực, tranh thủ thu hút đầu tư trong xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập. Trong đó, phát huy lợi thế địa lý, hệ thống cảng biển để thu hút vốn đầu tư, phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ và tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Kiên trì phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, hơn 20 năm qua, Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp trong việc thu hút đầu tư phát triển, hướng đến xây dựng trở thành tỉnh dịch vụ, du lịch xanh, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Ngay bản thân ngành khai thác than cũng phải thay đổi, phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống. Công nghiệp than được cải tiến mạnh mẽ bằng việc đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành các “mỏ xanh”. Đặc biệt, là địa phương sở hữu hệ thống di sản văn hóa phong phú và độc đáo với hơn 630 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 6 khu di tích quốc gia đặc biệt, Quảng Ninh chú trọng bảo tồn di sản văn hóa, “xanh hóa” di sản. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch xanh bền vững.
Hơn nữa, một khi đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch, ngành công nghiệp “không khói” phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì bản thân ngành Du lịch phải thực sự “không khói”, không ô nhiễm. Đây là vấn đề không hề đơn giản đối với một tỉnh có nhiều du khách như Quảng Ninh, nhưng tỉnh kiên trì và đã mang lại một số kết quả bước đầu. Huyện đảo Cô Tô là một ví dụ. Từ ngày 15/9/2023, huyện đảo Cô Tô áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo sau một năm thí điểm (từ ngày 01/9/2022). Ngoài ra, tất cả các cơ quan đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn Cô Tô cũng không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Để triển khai quy định này, UBND huyện đã đề nghị Sở GTVT, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa tại Vân Đồn - Cô Tô phối hợp tuyên truyền tới các hãng tàu vận tải hành khách, hàng hóa đến Cô Tô; kiểm tra yêu cầu chủ các phương tiện, hành khách không mang túi nilon, chất thải nhựa dùng một lần lên đảo Cô Tô; xem xét chỉ cấp lệnh xuất bến khi các hãng tàu bảo đảm quy định trên. Sự nỗ lực của chính quyền, người dân và cả du khách khi đến với Quảng Ninh đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Theo người dân Cô Tô, trong thời gian gần đây, một đàn cá voi từ 4-5 con thường xuyên xuất hiện tại khu vực Hạ Mai đến Đầu Trâu thuộc huyện đảo Cô Tô. Người dân khu vực xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô cũng đã phát hiện cá thể rùa biển quý hiếm xuất hiện ở khu vực.
Đây là những tín hiệu tốt lành, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển ở huyện đảo Cô Tô cũng như một số điểm đến của Quảng Ninh đang được cải thiện.
Phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững TP Hạ Long
Thành ủy TP. Hạ Long (Quảng Ninh) vừa phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long”. Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan, khoa học, khẳng định được các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hạ Long; từ đó nghiên cứu bổ sung lý luận, tổng hợp khái quát có hệ thống, khoa học các tư liệu lịch sử liên quan, làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc huy động các nguồn lực vào công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di sản văn hóa, với định hướng phát triển bền vững.
Đây cũng là hội thảo khoa học lần đầu tiên thành phố Hạ Long tổ chức về lĩnh vực văn hóa để nhận diện một cách sâu sắc hơn triết lý phát triển bền vững phải dựa trên nguyên tắc “thiên nhiên - lịch sử, văn hóa - con người” mà tỉnh Quảng Ninh đã thành công kiên trì chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh”. Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến, ngoài việc khai thác giá trị cảnh quan của vịnh Hạ Long hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan thì các điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền quảng bá, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng giá trị lịch sử của di tích.
Để khắc phục những tồn tại trên, năm 2024, thành phố Hạ Long sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; huy động nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. P.V
|
Nguyễn Quân