Thú linh trưởng được xem là những loài chỉ thị cho sức khỏe hệ sinh thái, thước đo của mức độ đa dạng sinh học, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với đời sống văn hóa, tinh thần và khoa học phục vụ con người.
Hoạt động tái thả động vật hoang dã về rừng.
Thông qua hình ảnh từ một con tem do bưu chính Việt Nam phát hành năm 1965, năm 1987, một chuyên gia nghiên cứu loài linh trưởng là tiến sĩ Ratajsczak Radoslaw, người Ba Lan đã đến Vườn quốc gia Cúc Phương điều tra loài voọc quần đùi trắng. Sau 2 đợt điều tra, ông xác định đã nghe được tiếng của loài này và khẳng định loài voọc mông trắng còn tồn tại ở đây.
Tiếp theo vào năm 1989 nhóm cán bộ khoa học của Vườn tiếp tục điều tra và đã rất bất ngờ ghi nhận được hình ảnh 7 cá thể voọc mông trắng trên vách núi trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn.
Cũng trong giai đoạn này, Cúc Phương đã tiếp nhận 2 cá thể voọc mông trắng được tịch thu từ việc buôn bán trái phép. Đây là sự kiện thúc đẩy cho một dự án cứu hộ và nhân nuôi sinh sản các loài linh trưởng được hình thành.
Năm 1993, Bộ Lâm nghiệp Việt Nam đã đồng ý cho phép Cục Kiểm lâm ký Thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế như Hội chuyên gia linh trưởng IUCN(IUCN SSC Primate Specialist Group); Hiệp hội động vật học bảo tồn các loài và quần thể (Zoological Society for the Conservation of Species and Populations, Germany (ZSCSP), Cộng hòa Liên bang Đức ; Hội động vật Hoàng gia Nam Australia (Royal Zoological Society of South Australia) về việc thành lập Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng đang có nguy cơ bị đe dọa của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Thỏa thuận này đã đánh dấu sự ra đời Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp đầu tiên ở Việt Nam. |
Năm 1993, Hội động vật Frankfurt (FZS) của Cộng hòa liên bang Đức đã hợp tác với Vườn quốc gia Cúc Phương thực hiện Dự án "Chương trình bảo tồn Vườn quốc gia Cúc Phương".
Chương trình được Hội động vật Frankfurt, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Vườn quốc gia Cúc Phương thực hiện. Dự án tập trung vào nghiên cứu điều tra tình trạng của loài voọc quần đùi trắng và xây dựng Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp (EPRC). EPRC là Trung tâm được thành lập đầu tiên ở Đông Dương và là một địa chỉ uy tín trong công tác cứu hộ, bảo tồn và phục hồi các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam về với tự nhiên.
Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Cúc Phương, tiếp nhận voọc chà vá chân xám để nuôi dưỡng và bảo tồn.
Giám đốc Dự án linh trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trải qua 30 năm hợp tác với Hội Hội động vật Frankfurt (1993-2013) và 10 năm hợp tác với Vườn thú Leipzig (2013-2023), Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng.
Một trong những kết quả nổi bật của Dự án là đã thành lập một trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Tại đây đang cứu hộ và bảo tồn trên 180 cá thể của 14 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm.
Tất cả các cá thể linh trưởng tại Trung tâm đang được chăm sóc tốt. Có 12 loài đã cho sinh sản thành công với trên 200 cá thể, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới. Đó là voọc mông trắng, voọc đầu trắng và voọc chà vá chân xám. Có 6 loài được cứu hộ và chăm sóc duy nhất tại Cúc Phương mà không một nơi nào trên thế giới có cơ hội này.
Đặc biệt qua điều tra nghiên cứu đã phát hiện thêm được 1 loài mới cho khoa học, đó là loài Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea); tái thả thành công trên 150 cá thể của 5 loài linh trưởng về môi trường tự nhiên như: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Cúc Phương và quần thể danh thắng Tràng An. Đồng thời, Dự án đã tăng cường thêm cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ rừng như ô-tô, xe máy, bộ đàm.. và tổ chức nhiều đợt nghiên cứu thực địa về sự phân bố, tình trạng của các loài linh trưởng ngoài tự nhiên để xây dựng chiến lược bảo tồn loài này ở Việt Nam.
Ông Jörg Junhold, Giám đốc Vườn thú Leipzig khẳng định, để có được những thành công của dự án như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ Việt Nam, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm cùng các đơn vị hữu quan và sự cống hiến hết mình của các nhà khoa học Việt Nam, Đức và các nước khác trên thế giới, sự tận tâm làm việc của các nhà quản lý, công nhân viên tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng quý hiếm Cúc Phương trong nhiều năm qua. Kết quả của dự án này đã đóng góp cho bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam và thế giới.
Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính chia sẻ, trong nhiều năm qua, nhất là sau khi Nhà nước có chủ trương đổi mới, có định hướng xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học, chúng tôi đã nhận được nhiều nguồn lực, nhiều sự hỗ trợ kể cả trong và ngoài nước để thực hiện công tác bảo tồn.
Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương từ lâu được đánh giá là mô hình cứu hộ loài nguy cấp tiêu biểu trong khu vực và trên thế giới, bởi vì, đã giúp bảo tồn và phát triển thành công loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên.
Đồng thời, dự án cũng là mô hình nghiên cứu, giáo dục môi trường, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động cho cộng đồng xã hội, nhất là các thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên, tình nguyện viên trẻ.
Đây còn là biểu tượng của sự hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực khoa học bảo tồn loài giữa Vườn quốc gia Cúc Phương với các đối tác của nước ngoài nói chung và Vườn thú Leipzig nói riêng.
Ký thỏa thuận hỗ trợ hợp tác giai đoạn 2024-2028 giữa Vườn thú Leipzig và Vườn quốc gia Cúc Phương.
Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp đầu tiên ở Đông Dương không chỉ là công trình có giá trị to lớn về mặt khoa học mà còn có giá trị rất cao về giáo dục, nâng cao nhận thức về cứu hộ, bảo tồn các loài linh trưởng nói riêng và động vật hoang dã nói chung.
Trung tâm là một trong những tiềm năng, cơ sở phục vụ du lịch, đúng theo chủ trương của Vườn quốc gia đó là thực hiện thật tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã làm cơ sở để phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Vừa qua, Vườn quốc gia Cúc Phương đã phối hợp với Vườn thú Leipzig tổ chức hội nghị “30 năm cứu hộ linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, kết quả, bài học kinh nghiệm và định hướng đến 2050”. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu kết quả, thành tựu quan trọng sau 30 năm Vườn quốc gia Cúc Phương hợp tác quốc tế, thực hiện việc cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam… |
Dũng Minh