Cách trung tâm huyện Văn Chấn (Yên Bái) 12 km về phía Bắc, xã Suối Giàng được thiên nhiên ban tặng cho hệ sinh thái đa dạng cùng hệ thực vật phong phú, đặc biệt là quần thể hàng trăm cây chè cổ thụ Shan tuyết trên đỉnh núi mờ sương. Đây là “viên ngọc thô” để người dân nơi đây rèn giũa, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá.
Bà Sổng Thị Phua, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn giới thiệu địa điểm du lịch Cốc Tình.
Nắm bắt được cơ hội này, năm 2015, bà Sổng Thị Phua (64 tuổi) - hội viên người cao tuổi ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng đã cùng với gia đình đầu tư xây dựng mô hình du lịch homestay với những điểm tham quan, khám phá hấp dẫn ngay tại khuôn viên của gia đình.
Bà Phua cho hay: "Suối Giàng là xã vùng cao có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 98%. Nằm cách không xa trung tâm huyện Văn Chấn, nhưng các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào Mông nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo. Không chỉ vậy, Suối Giàng còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú hay những rừng chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi nổi tiếng. Đây chính là sự khác biệt, tạo cho Suối Giàng có tiềm năng để trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái phát triển bền vững”.
Cốc Tình hiện là địa danh du lịch khám phá thu hút khá đông khách du lịch khi đến với mô hình của gia đình bà Phua. Khi đến đây, nhiều du khách đã ví như lạc vào cõi tiên. Ngoài được thả hồn vào không gian tĩnh lặng, du khách còn được hít thở không khí trong lành, mát mẻ; được ngắm màu xanh ngút ngàn của cây cối mọc trên những phiến đá. Để tạo thuận lợi cho khách đến tham quan Cốc Tình, gia đình bà Phua đã đầu tư con đường với hàng trăm bậc đá trải dài và thiết kế những vị trí đẹp để chụp ảnh.
Chị Nguyễn Thị Hằng - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Khi đến với Suối Giàng, tôi rất thích khám phá địa danh Cốc Tình vì nơi đây vẫn lưu giữ được vẻ hoang sơ, tự nhiên. Thêm vào đó, khi đến với mô hình của gia đình bà Phua, tôi còn được trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mông như: mặc trang phục, thưởng thức các món ăn truyền thống, múa khèn …Tất cả đã đem đến cho tôi những trải nghiệm vô cùng thú vị”.
Với rất nhiều những nỗ lực, sau một thời gian làm du lịch, đến nay, nhà cộng đồng của gia đình bà Phua cũng đã được nằm trong hệ thống nhà cộng đồng đạt tiêu chuẩn, có mối liên kết với các công ty lữ hành nên ngày càng tạo được uy tín với du khách gần xa. Trung bình, mỗi tháng, điểm tham quan, khám phá của gia đình bà Phua tiếp đón khoảng trên 300 lượt khách trong và ngoài tỉnh.
Từ những mô hình làm du lịch như nhà bà Phua đã không chỉ góp phần bồi đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông ở Suối Giàng nói riêng và mảnh đất Yên Bái nói chung đến với du khách trong và ngoài nước mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng cao.
Theo ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng, gia đình bà Phua là hộ điển hình đã có những cách làm hay, sáng tạo, đóng góp tích cực cho hoạt động xây dựng, phát triển, quảng bá du lịch của địa phương. "Chúng tôi hy vọng, sẽ ngày càng có nhiều hộ gia đình biết làm du lịch như nhà bà Phua để đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, địa danh Suối Giàng ngày càng được nhiều người biết đến hơn” - ông Giàng A Đằng cho biết.
Hồng Oanh