Không ít người đang lo lắng về sự “hiện đại hóa quá mức” tại làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) mà cách đây ít năm còn được coi là một địa điểm du lịch về một làng Việt cổ bảo toàn nhiều sắc thái truyền thống.
Làng Cự Đà nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ nổi tiếng giàu có, phong lưu nhất vùng. Cách đây vài trăm năm, nhiều ngôi nhà cổ, kiên cố được làm bằng những loại gỗ quý như lim, sến, táu, sồi… Đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Cự Đà xuất hiện nhiều ngôi nhà kiến trúc hiện đại hơn.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, làng có nhiều đại gia làm ăn buôn bán thành đạt ở Hà Thành. Trong số này phải kể đến cụ Bát Hồng, người đầu tiên xây nhà Tây hai tầng tại quê hương. Sau đó các nhà tư sản dân tộc Cự Doanh, Cự Phát… đua nhau làm nhà lầu, biệt thự độc đáo có yếu tố kiến trúc của người Pháp. Nội thất ngôi nhà chia ra nhiều buồng: buồng ngủ, buồng ăn gắn liền bếp, buồng khách có lò sưởi, cũng có nhà vệ sinh tự hoại, ban công rộng rãi thuận lợi, mát mẻ về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Các biệt thự chủ yếu nằm dọc theo đường làng lát bằng gạch nghiêng, soi bóng xuống dòng sông, tạo nên một bức tranh sinh động, lãng mạn mà hiện đại nhưng vẫn có cái “hồn” dân tộc.
Ngay nay, du khách có dịp về Cự Đà sẽ thấy những ngôi nhà thuần Việt bên biệt thự kiểu Pháp cao vút rêu phong cổ kính, đan xen “làm nền” cho nhau để “phô” hết nét đẹp văn hóa truyền thống của một làng Việt cổ.
Các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn
Trong khi nơi này, nơi kia, di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia bị “xâm lăng”, bị xuống cấp trầm trọng hoặc bị người ta sửa chữa “sáng tạo” theo kiểu mới, kiểu … bê tông cốt thép, may thay, Cự Đà vẫn còn hàng chục ngôi nhà cổ trên trăm tuổi, khoảng một trăm công trình kiến trúc phương Tây, xứng đáng lập hồ sơ đề nghị nhà nước xếp hạng văn hóa.
Bên cạnh vẻ đẹp cổ, làng còn có vẻ đẹp cận đại - những ngôi nhà cổ và công trình kiến trúc được xây cất từ những năm 1920-1940 trông rất "Tây". Ven sông còn để lại một cột cờ cao vút được xây dựng năm 1929, các di tích nhà Hội đồng, nhà Thọ từ (trường học). Các nhà có kiến trúc theo kiểu nhà Tây giống với nhà Tây ngoài Hà Nội còn lại khoảng năm chục chiếc ở ngay trong làng. Vào thời đó, Cự Đà còn là thôn duy nhất của cả vùng có đường điện thắp sáng. Người Cự Đà đã biết giữ gìn để ngày nay chúng ta còn cả một làng cổ bên dòng sông cũng rất cổ kính - sông Nhuệ. Người Cự Đà tự hào về ngôi làng cổ của nình, các “sử gia làng” đã dành bao công sức và tâm huyết viết cuốn “Cự Đà nhân chí” để góp phần giáo dục thế hệ đời sau hiểu được chân giá trị của làng Việt cổ.
Người làng Cự Đà tự hào vì cũng làm giầu nhưng thế hệ cha ông họ, không vì quyền lợi cá nhân mà phá đi cảnh quan văn hóa thơ mộng của dòng sông Nhuệ. Thời của các thế hệ trước, sông Nhuệ được ví như “con đường tơ lụa”, là “bến cảng” trung chuyển, tập kết hàng hóa trên Tây Bắc xuống, hoặc phía Nam lên. Hàng hóa từ đây được chở bằng xuồng máy ra Cầu Trăng (Hà Đông) chuyển về Kinh Kỳ - Thăng Long - Hà Nội. Con sông là phương tiện giúp con người giàu có. Người làng trả ơn bằng cách làm cho sông quê đẹp hơn. Họ xây kè đá hai bên bờ sông thêm thơ mộng, cách một đoạn có bậc lên xuống thuận lợi cho con người tận hưởng hết vẻ đẹp của dòng sông.
Cũng như bao làng quê Việt Nam, người làng Cự Đà cũng luôn coi trọng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Họ tự nguyện góp sức người sức của vào công cuộc kiến thiết đất nước, như ông Cự Doanh được coi là “ông Tổ” dệt kim cả nước, ông chính là người sáng lập ra nhiều xưởng dệt có tiếng tại Hà Nội, sánh vai cùng hàng tơ lụa của người Ấn Độ, người Tầu, người Pháp ngay tại khu phố cổ nức tiếng buôn bán sầm uất như Hàng Đào, Hàng Ngang. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông hiến toàn bộ xưởng dệt cho nhà nước để khi Thủ đô giải phóng chuyển thành Cty may Đông Xuân nổi tiếng cho đến nay. Truyền thống hiếm có của làng Cự Đà chính là lòng tự tôn về làng quê của mình, trong làng có 4 dòng họ Đinh, Vũ, Trịnh, Vương nhưng khi làm ăn phát đạt, có thương hiệu trên thương trường, dù buôn đâu, bán đâu, nhưng người làng đều gắn tên làng với tên mình như Cự Doanh, Cự Phát, Cự Chân… lấy chữ Cự để nhớ nơi chôn rau cắt rốn.
Đừng để đánh mất cảnh quan
Phát huy truyền thống làm ăn buôn bán của làng, hiện nay các thế hệ hậu duệ của làng Cự Đà đã du nhập nhiều ngành nghề mới như làm bánh đa, miến, tương… làm cho kinh tế làng phát triển mạnh. Họ xây nhà to hơn, cao hơn, nội thất trang bị nhiều đồ “xịn”. Điều đó đáng mừng nhưng cũng đáng lo.
Để xây một ngôi nhà mới hoành tráng ưng ý hay một nhà xưởng phục vụ cho “mở rộng sản xuất”, họ có thể đập phá những công trình kiến trúc cổ “lỗi thời”. Mạnh ai nấy xây, mạnh ai nấy làm, dễ phá đi cảnh quan của ngôi làng Việt hiếm có. Thêm nữa, mọi loại nước thải đều “tống” hết xuống sông Nhuệ, làm cho con sông xanh xưa đặc quánh bùn rác, phế liệu ngâm nước lâu ngày nặng mùi xú uế. Môi trường ô nhiễm trầm trọng, đầy ruồi nhặng, vi trùng đủ loại sinh sôi nẩy nở. Sông Nhuệ đang “chêt” dần…
Sự lo lắng của nhiều người dân hiểu được chân giá trị văn hóa độc đáo của làng Cự Đà là có lý. Nguy cơ xóa xổ ngôi làng cổ gắn bó bao đời cùng con sông thơ mộng hàng ngày cứ hiện hữu dần...