Kể từ khi được thành lập năm 2021, nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) tại Việt Nam đã đóng vai trò kết nối các chủ thể, sáng kiến, huy động các nguồn lực, sự ủng hộ của các bộ, ngành, tổ chức phát triển trong nước, nước ngoài để cố vấn, tham mưu, hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan định hình nền kinh tế tuần hoàn, đổi mới mô hình sản xuất, tiêu thụ nhựa bền vững.
Các tình nguyện viên thu gom rác ở dọc tuyến đê biển Gò Công. Ảnh: Nguyễn Sự
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người. Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng, tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa tại các Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada (năm 2018); Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos Thụy Sĩ (năm 2019)...
Đáng chú ý, tại Hội nghị Davos 2019, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết Ý định thư liên quan xử lý rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, với nội dung là hỗ trợ Việt Nam tham gia sáng kiến Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP) để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất, tiêu thụ nhựa bền vững; tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp xử lý chất thải nhựa một cách hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất tác động của nhựa đến môi trường.
Để thực hiện Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa, Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Ngày 19/11/2021, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2268/QĐ-BTNMT về việc thành lập Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) tại Việt Nam.
Nhóm có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường các chính sách, giải pháp, định hướng chiến lược cho Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hoàn thành tốt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản lý chất thải nhựa để triển khai, thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải nhựa tại Việt Nam.
Đánh giá về những kết quả bước đầu của Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Ngọc Tuấn cho biết: Kể từ khi được thành lập, nhóm đã có nhiều đề xuất hỗ trợ, chính sách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư, khơi thông dòng tài chính đối với những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Đáng chú ý là, với sự ra mắt của nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Khơi nguồn tài chính đã hỗ trợ nhóm công tác triển khai các hoạt động thông qua các trụ cột chiến lược của Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa. Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cùng hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, dự kiến thông qua vào năm 2024, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa đã tích cực phối hợp với các đối tác xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức phi Chính phủ, viện nghiên cứu thông qua các hội thảo tham vấn, các sự kiện bên lề tại những phiên đàm phán liên Chính phủ, thể hiện quyết tâm quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn.
Dưới sự định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự điều phối và hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa đã xây dựng và mở rộng mạng lưới tham gia với gần 200 tổ chức doanh nghiệp kết nối, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; đổi mới, sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa, các giải pháp góp phần thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Chương trình cũng phối hợp UNDP và các đối tác hỗ trợ Việt Nam thảo luận định hướng nghiên cứu, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng nhựa và rò rỉ rác thải nhựa trên đất liền và trên biển phục vụ quá trình đàm phán hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; xây dựng báo cáo nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam.
Đáng chú ý, trong năm 2023, với nguồn dữ liệu từ các thành viên nhóm kỹ thuật và thành viên mạng lưới Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, một bản đồ sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo đã được xây dựng và tiếp tục cập nhật, hoàn thiện trong thời gian tới. Hiện, ghi nhận 40 nhà đổi mới sáng tạo đã hoàn thành thử nghiệm qua các giai đoạn ươm mầm và tăng tốc trong tổng số 138 chương trình, dự án, sáng kiến về giảm thiểu rác thải và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam hoặc dự án khu vực có hợp phần liên quan Việt Nam.
Trong đó, bảy sáng kiến, dự án đổi mới sáng tạo ấn tượng từ các nhà đổi mới sáng tạo được đánh giá có năng lực và khả năng tác động đã được giới thiệu và thúc đẩy qua nền tảng Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa. Ngoài ra, với sự hỗ trợ nguồn lực từ Đại sứ quán Canada và sự đóng góp kỹ thuật của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa đã triển khai, thúc đẩy lồng ghép, tăng cường vai trò của phụ nữ và các vấn đề bao trùm trong quản lý rác thải nhựa.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Năm 2024, trong bối cảnh toàn cầu và trong nước đang nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa, nhất là với việc thế giới dự kiến sẽ thông qua “Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024”, cũng như nhiều chính sách của Việt Nam về quản lý và xử lý chất thải trong đó có chất thải nhựa sẽ chính thức được thực hiện.
Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị nhóm tiếp tục phát huy trách nhiệm, sự chủ động trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đưa ra nhiều giải pháp mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời, mở rộng mạng lưới đối tác và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng để thực hiện mục tiêu chung của Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, qua đó đóng góp vào những nỗ lực hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
Huy Sơn