Bên cạnh xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại gắn với nếp sống văn minh đô thị, thành phố Hà Giang xác định ngành du lịch – dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong những năm qua hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc. Nhờ đó đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa thành phố Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.
Thành phố Hà Giang là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh, là nơi kết nối tour tuyến với những vùng du lịch giàu tiềm năng như: Cao nguyên đá Đồng Văn, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Căng Bắc Mê… Nơi đây có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: Du lịch tâm linh Đền Mẫu, chùa Quan Âm; các làng văn hóa du lịch; khu du lịch sinh thái Thạch Lâm Viên, Trường Xuân; du lịch sinh thái Tây Côn Lĩnh; núi Cấm, núi Mỏ Neo, Cột mốc km0…
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại km0 thành phố Hà Giang.
Đặc biệt, trên địa bàn còn có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp và các sản phẩm hàng hóa đặc trưng như: Chè Shan tuyết, Thảo quả, dược liệu và vùng trồng rau rạch…
Những lợi thế trên góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho “ngành công nghiệp không khói” của thành phố. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, được ví như “người đẹp đang ngủ quên”.
Xác định phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch là hướng đi chính, thành phố đã triển khai nhiều nội dung nhằm khai thác, phát huy thế mạnh sẵn có. Hàng năm thành phố tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng nghề du lịch cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình. Tư vấn, hỗ trợ các hộ làm dịch vụ du lịch về cách cải tạo cảnh quan, không gian sân vườn, trồng hoa, cây cảnh; đầu tư trang thiết bị, chỉnh trang nhà ở theo kiểu truyền thống để phục vụ du khách lưu trú. Hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng mở rộng liên kết với những công ty lữ hành... Thành phố còn huy động nguồn lực lớn để đầu tư các công trình, thiết chế văn hóa như: Cổng chào, màn hình led cỡ lớn, bảng led tại các nút giao thông và hàng trăm pano…
Xác định phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng đang là những hướng đi chính để thành phố Hà Giang thực hiện hóa mục tiêu phát triển du lịch. Hiện nay, thành phố đã có 5 làng văn hoá du lịch được hình thành như: Làng văn hoá du lịch dân tộc Tày thôn Tha và thôn Hạ Thành, xã Phương Độ; Làng văn hóa thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường¸ Làng văn hóa du lịch thôn Tiến Thắng và thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện. Trải nghiệm mùa hoa Tam giác mạch, văn hóa dân tộc Dao tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện; chụp ảnh, khám phá mùa lúa chín, ruộng bậc thang, săn mây ngắm cảnh tại các thôn: Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài xã Phương Độ, khám phá ẩm thực Bản Tùy, xã Ngọc Đường…
Mùa hoa Tam giác mạch ở thôn Cao Bành, xã Phương Thiện.
Cùng đó nhiều hoạt động lễ hội, sự kiện cũng được tổ chức nhằm thu hút khách du lịch như: Lễ hội ẩm thực dân tộc Dao, Ngày hội văn hóa dân tộc Tày, khai trương tuyến Phố đi bộ Nguyễn Trãi, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, ngành dịch vụ, du lịch của thành phố Hà Giang đang có những tín hiệu mới. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đều đảm bảo các điều kiện cần thiết để phục vụ du khách trong các dịp lễ, Tết, sự kiện. Cùng với đó, công tác quảng bá du lịch được thành phố Hà Giang thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức, nhất là thông qua nền tảng số. Số lượng khách tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng trên địa bàn tăng qua các năm. Năm 2023, lượng du khách đến với thành phố Hà Giang là 770.249 lượng khách, đạt 110% kế hoạch giao, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 179,49 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Song Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang cho biết: “Du lịch thành phố Hà Giang với lượt du khách tham quan tăng đều qua các năm, năm 2024, chúng tôi mong muốn xác định đưa thành phố Hà Giang trở thành “Thành phố du lịch”. Để làm được điều đó cần bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch, các lễ hội văn hóa trên địa bàn được tổ chức hàng năm và Phố đi bộ Nguyễn Trãi được tổ chức thứ 6, thứ 7 hàng tuần. Đây là điểm nhấn để thu hút du khách thập phương. Hy vọng rằng thời gian tới, thành phố Hà Giang sẽ là một điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước”.
Với nhiều giải pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng với sự đồng lòng góp sức của doanh nghiệp du lịch và nhân dân, tiềm năng du lịch của thành phố Hà Giang dần được đánh thức và góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu