Bên cạnh việc khôi phục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhiều làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở miền núi tỉnh Quảng Nam ngày càng làm mới, đa dạng sản phẩm du lịch dịch vụ, nỗ lực kết nối với các điểm đến ở những địa phương khác để hình thành những tour, tuyến du lịch hấp dẫn du khách.
Bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng
Là những mô hình điểm phát triển DLCĐ từ rất sớm ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, đến nay, những làng DLCĐ như Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn), Đhơ Rôồng (xã Tà Lu) của huyện Đông Giang; Ta Lang (xã Bha Lêê); Pơr’ningm (xã Lăng) của huyện Tây Giang; làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), nóc Xa Rơ (xã Trà Bui); làng Mường (xã Trà Giang) của huyện Bắc Trà My … đã khẳng định được thương hiệu.
Nhà sản xuất, trưng bày dệt thổ cẩm của làng Đhơ Rôồng, huyện Đông Giang
Chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp, cộng đồng ở các điểm đến này đã nỗ lực “làm mới” mình, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống để xây dựng các sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng, khởi động lại các chương trình đầu tư, nâng cấp điểm đến, sản phẩm du lịch dịch vụ để thu hút du khách.
Đặc biệt, các địa phương đang tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng những tour - tuyến, kết nối điểm đến với các địa phương khác của Quảng Nam. Kêu gọi các doanh nghiệp, câu lạc bộ điểm đến, lữ hành,…hỗ trợ kết nối, hình thành, phát triển tour, tuyến du lịch phía Nam Quảng Nam như Tam Kỳ - Núi Thành- Phú Ninh với các địa phương miền núi Tây Nam Quảng Nam như Tiên Phước – Bắc Trà My – Nam Trà My.
Tại nhà sản xuất, trưng bày dệt thổ cẩm làng Đhơ Rôồng (huyện Đông Giang), hơn 30 thành viên của tổ luôn duy trì mở cửa, dệt thổ cẩm, tìm kiếm các đơn hàng duy trì sản xuất, giữ không gian của nghề truyền thống luôn có sức sống.
Bà Ploong Thị Mai, một người dân ở làng cho biết, các thành viên của tổ cộng đồng cùng phân chia nhau dọn dẹp vệ sinh tại nhà gươl của làng, duy trì tập luyện biểu diễn các điệu cồng chiêng, điệu múa truyền thống, truyền dạy nghề, văn hóa của đồng bào cho các người trẻ để bảo tồn nếp văn hóa truyền thống của làng.
Truyền nghề đan lát cho người trẻ tại Làng văn hóa Cao Sơn, Bắc Trà My
Năm 2023, huyện Tây Giang xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam của tại một số điểm đến như Làng DL cộng đồng thôn Ta Lang, Pơr’ning, Làng du lịch sinh thái Di sản Pơmu, Homestay Lộc Trời, thôn văn hóa, sinh thái, cộng đồng Aur của xã A vương.
Địa phương cũng nỗ lực kết nối, hình thành các điểm dừng chân dọc theo trục đường Hồ Chí Minh, các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, khởi động cho các đề án khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa Cơ tu gắn với phát triển du lịch tại các làng DLCĐ Pơr’ning, Ta Lang,…Đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng, thiết chế văn hóa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào. Bên cạnh đó, luôn duy trì Ngày hội văn hóa Cơ tu tại Làng truyền thống Cơ tu Tây Giang định kỳ hằng năm để bảo tồn, giới thiệu bản sắc độc đáo của đồng bào với những nghi thức truyền thống của như cúng mừng lúa mới, trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào Cơ tu gồm múa Tân tung da dá, hát lý nói lý, dệt thổ cẩm.
Kết nối giữa các điểm đến, đa dạng sản phẩm du lịch
Các địa danh nằm trên dãy Trường Sơn huyền thoại qua địa phận Quảng Nam ghi dấu lịch sử hào hùng của quân và dân khu V trong những năm tháng kháng chiến như Nước Oa, Nước Là, Nước Leng, Trung Mang, Sông Thanh, Phước Trà,…ngày nay nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa - quốc gia Khu căn cứ lịch sử Cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa (huyện Bắc Trà My) đã trở thành điểm đến được người dân, các bạn trẻ, du khách tìm về để hiểu thêm về lịch sử.
Thời gian gần đây, các địa phương chú trọng đến sự liên kết, kết nối các “địa chỉ đỏ”, các điểm đến với nhau để đa dạng hóa da dạng sản phẩm du lịch cho khu vực miền núi Quảng Nam.
Làng Văn hóa - DLCĐ Bhơ Hôồng, huyện Đông Giang đón khách
Những địa chỉ đỏ được gắn kết với những câu chuyện về văn hóa, con người ở chính vùng đất ấy, các điểm du lịch sinh thái, làng nghề để du khách không chỉ tham quan di tích lịch sử, mà còn được trải nghiệm, nghe chính cư dân bản địa kể và hiểu hơn về con người, nếp sống nơi có di tích.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết địa phương đã đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch kết nối du lịch về nguồn quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ - Nước Oa với du lịch sinh thái khám phá cảnh quan thiên nhiên của địa phương như lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2, các suối, thác hùng vĩ Nước Oa , Nước Ví, Năm Tầng; du lịch cộng đồng tại Làng văn hóa Cao Sơn, Nóc Xa Rơ, Làng Mường; mừng lúa mới đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Ca Dong, Cor, Mường,...
Đặc biệt, cuối năm 2021, huyện đã ban hành đề án về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đã thành lập 14 đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và phát triển du lịch.
Huyện Nam Trà My hiện đang đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh và xây dựng các tour du lịch khám phá, gắn với đặc sản sâm Ngọc Linh, các chợ phiên định kỳ, lễ hội Sâm. Những sản phẩm du lịch trên sẽ gắn với Khu rừng nguyên sinh bác Năm Công để đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử của ông cha mà còn là một điểm nhấn du lịch sinh thái hấp dẫn du khách tìm đến Nam Trà My. Du khách đến tham quan tại đây rất thú vị khi nghe những câu chuyện cộng đồng nơi đây trong việc bảo vệ khu rừng di tích này.
Thu Hoài