Năm vừa qua, Vịnh Hạ Long được UNESCO đồng thuận với đề xuất mở rộng ranh giới di sản thế giới sang khu vực Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng). Trước đó thì di sản này cũng bước vào chiến dịch cao điểm thu gom, xử lý phao xốp phát tán từ hoạt động tháo dỡ, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép ở các địa phương. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là tôn vinh, gìn giữ và phát huy tốt giá trị di sản thế giới Vịnh Hạ Long.
Du khách trải nghiệm dịch vụ trên tàu nhà hàng Sea Octopus trên Vịnh Hạ Long.
Với danh tiếng của Vịnh Hạ Long, cùng với sự phục hồi chung của du lịch, năm 2023 vừa qua, di sản này đã thu hút lượng khách trở lại khá đông đảo lên tới gần 2,7 triệu lượt, tăng 35% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt gần 1,35 triệu lượt; doanh thu đạt 792,25 tỷ đồng, tăng 82,8% so với năm ngoái. Vì vậy, để đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn, khai thác bền vững giá trị di sản, các hoạt động của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp tục được đơn vị tập trung triển khai trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, đơn vị đã rà soát, tham mưu cơ chế, chính sách quản lý di sản mà trọng tâm là nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hiện đang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở để triển khai các hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững giá trị di sản.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã triển khai 72 đợt giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức 264 lượt tuần tra, giám sát và phát hiện, phối hợp xử lý 179 trường hợp vi phạm; đề nghị xử phạt hành chính 2,37 tỷ đồng, tịch thu nhiều ngư cụ; tiếp nhận và giải đáp 142 cuộc gọi đến đường dây nóng du lịch Hạ Long, đảm bảo an ninh trật tự trên Vịnh Hạ Long. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị, tiềm năng của di sản trên website và các nền tảng mạng xã hội; từng bước cải thiện chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các điểm tham quan trên Vịnh nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ khách tham quan; duy trì và mở rộng các mối quan hệ, các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế...
Ưu tiên bảo vệ môi trường di sản
Công tác bảo vệ môi trường di sản là nhiệm vụ được đơn vị luôn chú trọng, ưu tiên hàng đầu. Năm vừa qua, đơn vị đã tham mưu rà soát, sửa đổi, xây dựng bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác bảo vệ môi trường nước Vịnh Hạ Long nói riêng. Đặc biệt, đơn vị đã tập trung xử lý sự cố ô nhiễm môi trường do phao xốp phát tán từ hoạt động tháo dỡ, di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản trái phép từ các địa phương. Theo đánh giá của đơn vị, đây là thời điểm cực kỳ khó khăn, vất vả bởi lượng phao xốp trôi nổi quá lớn, phân tán khắp mặt vịnh và dạt vào chân các đảo đá, bãi cát trên vịnh, đòi hỏi phải khẩn trương, nhanh chóng thu gom, trả lại cảnh quan môi trường cho di sản thế giới Vịnh Hạ Long.
Ban quản lý Vịnh Hạ Long huy động phương tiện, nhân lực thu gom, xử lý phao xốp trôi nổi trên vịnh. Ảnh do đơn vị cung cấp.
Vì vậy, giai đoạn này đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực, phương tiện, nhân lực, kể cả làm ngoài giờ, buổi tối; đồng thời huy động sự vào cuộc của các đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long và các sở, ban, ngành, tổ chức trong tỉnh để xử lý. Trong đợt cao điểm từ 24/3-28/4/2023, đơn vị đã huy động trên 1.600 lượt phương tiện và hơn 3.500 lượt nhân lực tổ chức vớt phao xốp. Tổng khối lượng phao xốp và vật liệu bè mảng thu gom trên 12.000m3. Sau đó, đơn vị tiếp tục huy động thêm lực lượng, phương tiện để ra quân thu gom phao xốp cùng các nhà thầu thu gom rác trên vịnh.
Từ ngày 22/11 đến 13/12/2023, Công đoàn Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã huy động 80 lượt phương tiện thuỷ, 394 lượt viên chức, lao động, trong đó có 95 đoàn viên công đoàn tham gia thu gom rác phao xốp, bè mảng và nhặt rác chân đảo trên địa bàn khu vực tuyến tham quan số 4 trên Vịnh Hạ Long. Kết quả, đã tổ chức thu gom tại 37 điểm chân đảo, bãi cát; 1.126m3 rác phao xốp, rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về bờ mang đi xử lý theo quy định. Đơn vị cũng yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long chủ động hằng ngày thực hiện tự thu gom, vận chuyển rác về bờ để xử lý theo quy định.
Công tác vận động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường di sản được đơn vị thực hiện với hình thức đa dạng, tới nhiều đối tượng có hoạt động liên quan tới di sản. Cùng với đó, việc thu hút nguồn lực đầu tư, tài trợ quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, chú trọng. Năm 2023, Ban đã hoàn thiện các thủ tục nhận viện trợ và triển khai Dự án “Nâng cao năng lực xử lý nước thải tại đảo Đầu Gỗ, Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh” với tổng kinh phí 81.068 USD, trong đó có 67.470 USD là vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Đây là dự án tiếp nối sau một dự án đã áp dụng thành công tại khu vực đảo Ti tốp, Vịnh Hạ Long.
Biểu diễn âm nhạc trên du thuyền với trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn thu hút đông đảo du khách.
Cùng với đó, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”, tổ chức 118 lượt giám sát, tuyên truyền tới khách du lịch, các tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tại các khu vực nuôi trồng thuỷ sản được quy hoạch và các công trình nổi được cấp phép tại khu vực di sản thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường, đến nay tỷ lệ thay thế đạt 94%.
Ban tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tới tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long, giám sát chất lượng môi trường, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, từng bước kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vịnh từ nguồn thải ven bờ, khu vực giáp ranh. Năm 2023, đơn vị đã thực hiện 203 đợt giám sát định kỳ tình trạng môi trường tại khu vực ven bờ và trên Vịnh Hạ Long. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải tại đảo Ti tốp, đảo Đầu Gỗ và khu vực Vung Viêng, Ba Hang...
Nút thắt về dịch vụ du lịch
Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới nổi tiếng, là điểm đến du lịch thu hút số lượng khách lớn bậc nhất năm châu. Vì vậy, cùng với sự phục hồi trở lại về số lượng khách sau dịch bệnh thì cũng đòi hỏi tiếp tục có sự đổi mới về các sản phẩm du lịch nơi đây. Năm vừa qua, sản phẩm du lịch âm nhạc trên Vịnh Hạ Long đã được nhiều tàu nhà hàng, du thuyền triển khai, mang lại diện mạo mới mẻ, tạo sức thu hút mạnh mẽ cho du khách. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch mong muốn nhiều hơn thế trong việc có cơ chế mở, thông thoáng hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể khai thác đa dạng hơn các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đơn giản nhất là vấn đề bãi tắm, Vịnh Hạ Long hiện có nhiều tuyến tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên biển nhưng số lượng bãi tắm trên vịnh lại quá ít ỏi. Mấy năm trở lại đây, trên vịnh chỉ có duy nhất bãi tắm Ti tốp hoạt động, khiến cho điểm du lịch này thường rơi vào tình trạng quá tải vào mùa hè. Nhiều du khách đi biển mà không được tắm biển, kể cả khách đi các tour nghỉ đêm trên vịnh…
Du khách tắm biển tại bãi tắm Ti tốp trên Vịnh Hạ Long.
Sản phẩm mới chưa có nhiều, trong khi đó một số công trình nổi, vốn từng là sản phẩm du lịch độc đáo trên Vịnh Hạ Long thì năm qua cũng cho thấy sự báo động về tình trạng xuống cấp do thiếu kinh phí sửa chữa cũng như phương án khai thác phù hợp, hiệu quả hơn. Đó là hệ thống 69 nhà bè của ngư dân làng chài Cửa Vạn và Vung Viêng sau khi di dời lên bờ vào năm 2014, được giữ lại bảo tồn nhưng cho đến nay, khoảng một nửa số này đã bị hỏng hóc, chìm đắm và được thanh lý. Số nhà bè còn lại hiện cũng rơi vào nguy cơ tương tự. Cùng với đó là sự xuống cấp của công trình Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, nằm trong tuyến tham quan số 3 trên Vịnh Hạ Long cùng với các nhà bè. Do tác động của dịch Covid-19 thì việc khai thác tuyến du lịch này mấy năm qua gần như bị gián đoạn, công trình theo đó cũng gần như bị “bỏ quên”, khó có thể đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình tham quan, trải nghiệm tại đây…
Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo rộng lớn diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan khu di sản. Đây cũng là điểm đến hút khách bậc nhất của Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Vì vậy, cùng với các giải pháp bảo tồn giá trị di sản, bảo vệ môi trường tự nhiên nơi đây thì việc tháo gỡ những vướng mắc hiện nay cho phát triển du lịch thiết nghĩ cần có sự nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, sự quan tâm hơn nữa của đơn vị chức năng.
Phan Hằng