Đồng Tháp: Phát triển lúa sinh thái kết hợp bảo tồn Sếu tại VQG Tràm Chim

Cập nhật: 16/01/2024
Sáng ngày 13/01/2024, tại thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) diễn ra Tọa đàm “Phát triển lúa sinh thái kết hợp bảo tồn Sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim”. Tọa đàm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mekong Organics, Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông, Vườn Quốc gia Tràm Chim phối hợp tổ chức, trực tuyến đến điểm cầu cấp huyện.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Tọa đàm

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, trong đó có nhiệm vụ xây dựng mô hình sản xuất lúa sinh thái bền vững tại vùng đệm.

Theo đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 sẽ có khoảng 200 ha lúa sản xuất sinh thái và theo hướng hữu cơ, đến năm 2032 tăng lên khoảng 1.000 ha tại vùng đệm để tạo không gian tốt cho Sếu đầu đỏ phát triển, cũng như tạo môi trường an toàn cho các loài chim di cư đến sinh sống tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp hữu cơ đến từ Úc đã mang đến Tọa đàm nhiều thông tin hữu ích, giúp cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về nông nghiệp, đặc biệt là nông dân huyện Tam Nông hiểu thêm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mekong Organics, để thu hút nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ, lúa sinh thái, trong đó trước tiên là nâng cao nhận thức nông dân về sản xuất an toàn, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp đến là kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm tốt để nông dân an tâm; kết hợp trồng lúa với đa dạng cây trồng và vật nuôi khác để tăng thu nhập; từng bước tạo dựng thương hiệu, chế biến sản phẩm để gia tăng giá trị.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền: Trồng lúa hữu cơ sẽ có khó khăn những năm đầu, do đó nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để nông dân an tâm, kiên trì thực hiện

Giáo sư – Tiến sĩ André Leu chia sẻ về nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Một khái niệm mới được các chuyên gia Úc giới thiệu, đó là nông nghiệp tái sinh (ngược lại với nông nghiệp thoái hóa).

Giáo sư – Tiến sĩ André Leu - Giám đốc Quốc tế, Đại sứ Tổ chức Regeneration International, cựu Chủ tịch Tổ chức IFOAM (Liên đoàn nông nghiệp hữu cơ Thế Giới) cho rằng, nông nghiệp tái sinh là sử dụng hệ thống cây trồng, vật nuôi, ánh sáng, nước sao cho vừa bảo vệ môi trường, vừa tốt cho sức khỏe người nông dân và có nhiều lợi ích lâu dài.

Trong khái niệm nông nghiệp tái sinh đó, thì lúa sinh thái hay lúa hữu cơ, cách làm nào cũng chung mục tiêu giảm phát thải, vì sức khỏe và trả lại môi trường mà đàn Sếu yêu thích khi xưa. Điều này có ý nghĩa khi chính người dân vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ tham gia và trở thành nhân viên bảo tồn tự nhiên. Để làm được điều đó, trước mắt phải cho người dân thấy lợi ích bền vững, ngoài lúa ra, bà con phải có thêm nhiều thu nhập từ các sinh kế khác.

Kinh nghiệm trồng lúa hữu cơ, chế biến, thương mại gạo và sản phẩm sau gạo hữu cơ của nông dân Úc cũng được chia sẻ với các đại biểu, nông dân tham dự Tọa đàm.

Những mô hình thành công về lúa sinh thái tại Cà Mau; sản xuất lúa hữu cơ  và chứng nhận hữu cơ quốc tế của Hợp tác xã sản xuất - dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt tại Vĩnh Long; kinh nghiệm liên kết sản xuất lúa sinh thái tại Sóc Trăng của Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ; liên kết với nông dân trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ (NOP), Châu Âu (EU) và Nhật Bản (JAS) của Công ty Cổ phần Nông sản Hoa Nắng tại Bến Tre cũng được chia sẻ tại Tọa đàm.

Theo đó, kinh nghiệm chung được đúc kết trong phát triển lúa sinh thái, lúa hữu cơ đó là lựa chọn nông dân phù hợp, có tập quán sản xuất tốt và tinh thần hợp tác; đào tạo kỹ thuật sản xuất; cùng làm, cùng theo dõi, cùng rút kinh nghiệm; tìm đầu ra phù hợp với sản phẩm, lợi ích bền vững cho nông dân và doanh nghiệp.

Sản xuất lúa hữu cơ, lúa sinh thái cần sự kiên trì và không thể tính theo mùa vụ, cũng như khôi phục hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim để đưa Sếu đầu đỏ trở về là hành trình lâu dài. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp trách nhiệm và bền vững sẽ tạo điểm đến an toàn để bảo tồn Sếu tại Đồng Tháp.

Nguyệt Ánh

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp - dongthap.gov.vn - Đăng ngày 13/01/2024