Tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, các phong trào giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường được tổ chức thường xuyên. Đây là vấn đề người dân rất quan tâm, với mục tiêu bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.
Đổi rác lấy quà
Nhiều quận, huyện đã có những hoạt động cụ thể trong giảm rác thải nhựa ra môi trường, như vận động người dân thu gom, mang rác đến các điểm tập kết đổi lấy quà. Trong năm 2023, UBND phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP. HCM) phối hợp Văn phòng Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP. HCM tổ chức 4 đợt thu gom chất thải rắn, với số lượng hơn 3 tấn (bao gồm quần áo cũ, pin cũ, túi ni lông, các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, giấy báo…). Rác thải sau khi thu gom được phường bàn giao cho Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ môi trường Á Châu để tái chế, xử lý theo quy định.
UBND phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP. HCM) trao tặng quà đến người dân tham gia hoạt động thu gom rác
Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Cư Trinh, cho biết, khi mang rác thải đến UBND phường, người dân được đổi lấy tiền mặt, quà tặng (túi vải, túi ni lông tự hủy sinh học, xịt khử khuẩn...). Trong năm 2023, phường cũng vận động mạnh thường quân, trích kinh phí từ hoạt động đổi rác lấy quà để trao tặng 27 thẻ bảo hiểm y tế đến các hộ dân khó khăn trên địa bàn phường. Qua những lần tổ chức, chương trình đã góp phần tuyên truyền rộng rãi đến người dân về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải nhựa. Đồng thời tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho từng cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trên địa bàn.
“Việc giải quyết ô nhiễm nhựa là một quá trình lâu dài, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý cùng sự chung tay hành động của doanh nghiệp, người dân, chính quyền địa phương. Mục tiêu của phường là nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường ở khu dân cư, chuyển dần từ túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần sang những sản phẩm thân thiện với môi trường. Sau những đợt tổ chức chương trình đổi rác lấy quà, tình trạng xả rác ra môi trường đã giảm, nhiều khu phố trở nên sạch đẹp hơn”, ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ.
Tại quận Gò Vấp, phong trào “chống rác thải nhựa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp hội viên. Chương trình đổi rác lấy quà được tổ chức đều đặn hàng tháng, nhận được sự hưởng ứng từ cán bộ, hội viên của quận, qua đó góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, quận Gò Vấp phối hợp Hội Chữ thập đỏ TP. HCM phân loại quần áo khi thu gom, quyên tặng số quần áo còn mới đến các vùng khó khăn, cắt những quần áo không sử dụng để tái chế thành vải vụn; các vật dụng khác được tái chế thành sản phẩm hạt nhựa…
Chung tay bảo vệ môi trường
Hiện nay, rất nhiều người dân dùng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, trong khi số lượng người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường còn ở mức khiêm tốn. Thực tế, chất thải nhựa khó phân hủy được thu gom và tái chế nhưng đạt tỷ lệ rất thấp; phần lớn là được chôn lấp, đốt hoặc nằm chờ trên những bãi rác, kênh rạch…
Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được triển khai, tập trung vào thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Trong năm 2023, Văn phòng đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP. HCM đã phối hợp chính quyền ở các quận, huyện trên địa bàn TP. HCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tổ chức chương trình vận động người dân thu gom, đổi rác lấy quà định kỳ hàng tháng, với mục tiêu giảm tối đa lượng rác thải nhựa sử dụng một lần ra môi trường. Ngoài ra, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP. HCM tổ chức chương trình “Mang rác về đất liền” cùng cán bộ, chiến sĩ và tân binh Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân…
Theo bà Phan Thị Thúy Phượng, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP. HCM, đến nay, hoạt động của đơn vị đã thu được nhiều kết quả tích cực, tình trạng xả rác bừa bãi thuyên giảm đáng kể, cảnh quan môi trường nhiều nơi trở nên sạch đẹp. Trong năm 2024, hội sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình thu gom rác thải nhựa sử dụng một lần, phân loại rác tại các khu dân cư, đặc biệt là tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn TP. HCM, qua đó mở rộng đối tượng cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
“Thông qua các chương trình này, chúng tôi mong muốn lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ môi trường đến người dân, hạn chế tối đa dùng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các chương trình đổi rác lấy quà để người dân hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, hội tăng cường triển khai chương trình trồng cây xanh nhằm tạo mảng xanh, không gian sống xanh trong khu dân cư; tổ chức các buổi hướng dẫn ủ phân hữu cơ tại nhà, tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải hữu cơ”, bà Phan Thị Thúy Phượng cho biết.
Bùi Tuấn