Kon Tum: Măng Đen chuyển mình nhờ du lịch

Cập nhật: 24/01/2024
Khách đến thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) ngày càng đông, tạo thêm nguồn thu cho bà con đồng bào nhờ làm dịch vụ du lịch, bán đặc sản địa phương. Qua đó, văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên cũng được gìn giữ, bảo tồn.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm bên thác Pa Sỹ

Thị trấn Măng Đen được biết đến là nơi có khí hậu mát mẻ, nhiều rừng, có lợi thế cho phát triển du lịch và nghỉ dưỡng. Nhìn thấy tiềm năng này, những năm gần đây các nhà đầu tư lần lượt tìm đến.

5 năm trước, ông Bùi Viết Hà (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) lần đầu lên Măng Đen chụp ảnh hoa anh đào và đã yêu thích khí hậu những rừng thông xanh bạt ngàn nơi đây. Ông quyết định xuống tiền đầu tư chuỗi cơ sở cà phê, nhà hàng, homestay, vườn dâu tây. Hiện chuỗi kinh doanh du lịch của ông Hà đang tạo công việc làm cho 25 lao động. Sắp tới, ông Hà sẽ hoàn thiện các dịch vụ để phục vụ khách.

Tương tự, cách đây 2 năm, chị Thái Huyền Trang (29 tuổi, Nghệ An) cùng nhóm bạn quyết định đến Măng Đen lập nghiệp. Nhóm chị Trang xây dựng homestay, mở quán cà phê, tiệm ăn chay và bán đặc sản địa phương trên nền tảng online. Mới nhất là nhóm chị tổ chức tour Măng Đen. “Măng Đen không chỉ có thiên nhiên đẹp mà còn có nền văn hóa rất độc đáo. Tour du lịch về Măng Đen mà nhóm tổ chức sẽ giúp du khách không chỉ thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn trải nghiệm văn hóa, con người nơi đây. Rất nhiều du khách thích thú với tour du lịch này”, chị Trang kể.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại tỉnh, người dân đồng bào tại chỗ cũng đang hưởng lợi từ phục vụ du lịch. Làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen) nằm nép mình bên ruộng lúa, bên trên là rừng thông tốt tươi. Du khách đi giữa rừng thông chụp ảnh, ngắm khung cảnh bình yên, thơ mộng của làng. Các homestay của đồng bào tại chỗ cũng được nhiều du khách tín nhiệm thuê ở. Cơ sở lưu trú homestay của bà Y Lim (thôn Kon Pring) hoạt động từ 4 năm trước, hiện có 5 phòng và 1 nhà sàn. Ngoài phục vụ lưu trú, bà còn nhận phục vụ ăn uống, biểu diễn cồng chiêng, đốt lửa trại cho khách. Có thời điểm, cơ sở của bà đón 100 khách/ngày. “Để đáp ứng nhu cầu của khách, gia đình đã liên kết với 22 người trong thôn cùng làm du lịch như: tổ chức nấu ăn, phục vụ cồng chiêng, bán đặc sản địa phương. Nhờ đó, khách đến làng mỗi năm một đông”, bà Y Lim nói.

Ông A Brôn, Trưởng thôn Kon Pling, cho biết, thôn có 76 hộ, phần lớn là người đồng bào Mơ Nâm. Ngoài làm nông, người dân còn làm dịch vụ du lịch như kinh doanh lưu trú, biểu diễn cồng chiêng, nấu ăn cho khách, hướng dẫn du lịch... Nhờ đó, cuộc sống người dân trong thôn đổi thay nhanh chóng.

Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết, thời gian qua, địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang các điểm du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch; xây dựng các làng du lịch cộng đồng; phục dựng các lễ hội, tập tục văn hóa của người đồng bào. Nhờ đó, du lịch Măng Đen bứt phá mạnh mẽ. Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm lượng khách đến Măng Đen tăng 40%. Riêng năm 2023, địa phương đã đón hơn 1 triệu lượt khách. “Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen. Đây là cơ hội lớn cho Măng Đen phát triển bền vững. Quan điểm phát triển Măng Đen là xây dựng phố trong rừng, phải giữ rừng và cảnh quan thiên nhiên để phát triển. Sắp tới, địa phương tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, tầm vóc vào địa bàn đầu tư”, ông Phạm Văn Thắng cho biết.

Măng Đen hiện có 100 cơ sở lưu trú với 1.200 phòng, đủ sức phục vụ 5.000 khách/đêm. Bên cạnh đó, tín hiệu vui là tại các làng du lịch cộng đồng như Vi Rơ Ngheo, Kon Pring, người dân đã tự làm du lịch và có thu nhập từ phục vụ du lịch, cuộc sống thay đổi rõ rệt.

Hữu Phúc

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng - sggp.org.vn - Đăng ngày 23/01/2024