Trong suốt chiều dài lịch sử, sông Kỳ Cùng gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Lạng Sơn. Không chỉ nổi tiếng là dòng sông chảy ngược duy nhất ở miền Bắc, sông Kỳ Cùng còn gắn liền với những huyền tích, di tích, lễ hội độc đáo của Xứ Lạng. Những năm qua, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã quan tâm phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với sông Kỳ Cùng trong phát triển du lịch.
Người dân tham gia vào nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Trần, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, nơi có dòng sông Kỳ Cùng chảy qua
Sông Kỳ Cùng là sông chính của tỉnh Lạng Sơn, dài khoảng 243 km. Sông bắt nguồn từ xã biên giới Bắc Xa (huyện Đình Lập), chảy từ Đông Nam lên Tây Bắc theo hướng dốc của địa hình lần lượt qua một số xã, thị trấn của các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định, đổ vào lưu vực sông Tây Giang (Trung Quốc). Không chỉ đem lại lượng phù sa màu mỡ, những nơi dòng sông chảy qua còn để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, gắn liền với phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của người dân sinh sống hai bên bờ sông.
Dòng sông gắn với di sản
Ở thành phố Lạng Sơn, sông Kỳ Cùng uốn lượn ngay trung tâm đô thị. Hình ảnh con sông Kỳ Cùng như một dải lụa mềm thơ mộng. Bắc ngang qua dòng sông Kỳ Cùng, đoạn sông giữa lòng thành phố có 4 cây cầu là cầu Kỳ Lừa, cầu Đông Kinh, cầu Ngầm và cầu 17/10. Trong đó, cầu Kỳ Lừa được coi như chiếc “đòn gánh”, một hình ảnh đẹp, mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Trải qua thăng trầm thời gian, sông Kỳ Cùng đóng vai trò là “nhân chứng lịch sử” chứng kiến sự đổi thay của đất và người Lạng Sơn, ở những nơi dòng sông này chảy qua đã hình thành nên các di sản văn hóa đặc sắc.
Là một trong những di tích nổi tiếng gắn bó mật thiết với dòng sông di sản này, đền Kỳ Cùng tọa lạc tại bờ Bắc của sông Kỳ Cùng, được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê, ban đầu thờ Thần Giao Long (Thần sông Kỳ Cùng) và hiện nay thờ Quan lớn Tuần Tranh. Năm 1993, di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – VHTTDL) xếp hạng cấp quốc gia; năm 2015, lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bà Phạm Tuyết Lê, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích phường Vĩnh Trại, Trưởng Bộ phận Thường trực Quản lý đền Kỳ Cùng cho biết: Từ xưa đến nay, đền Kỳ Cùng luôn có sự gắn bó mật thiết với sông Kỳ Cùng, từ tên gọi, truyền thuyết, lễ hội, các nghi lễ cho đến vị trí của đền tọa lạc. Theo sử sách ghi chép lại, các đoàn sứ thần mỗi khi qua đây đều vượt sông Kỳ Cùng sắm sửa lễ vật lên đền dâng lễ. Ngày nay, Nhân dân, du khách thập phương về đây để chiêm bái ngôi đền và ngắm dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược.
Hiện nay, những nơi có sông Kỳ Cùng chảy qua có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội độc đáo, đặc sắc. Chỉ riêng tại thành phố Lạng Sơn, đoạn từ cầu Kỳ Cùng theo dòng chảy về cầu Ngầm có di tích cấp quốc gia đền Cửa Tây, đền Cửa Bắc; dọc theo đường Hùng Vương là di tích cấp quốc gia chùa Thành, di tích cấp tỉnh đền Cô bé Thượng Ngàn, di tích cấp quốc gia đền Cửa Đông, đền Mẫu Thoải, bến đá Kỳ Cùng…
Đặc biệt, liên quan đến sông Kỳ Cùng còn có nét văn hóa đặc trưng đó là tục thờ thần sông (thần rắn), với nhiều truyền thuyết và các dị bản khác nhau về nguồn gốc các di tích và lễ hội mang đậm màu sắc bản địa. Trong đó, hình ảnh sông Kỳ Cùng, cuộc sống của cư dân miền sông nước Xứ Lạng với những phong tục tập quán đặc thù hiện lên rất rõ nét. Đơn cử như đình Vằng Khắc và tục rước nước tại lễ hội đình Vằng Khắc; tục đua bè mảng tại lễ hội ở thôn Nà Lình, xã Quốc Việt (huyện Tràng Định); lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn (từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng âm lịch hằng năm)…
Ngoài ra, những nơi dòng sông Kỳ Cùng chảy qua đều là địa bàn sinh sống của người dân các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông. Mỗi dân tộc tạo nên những bản sắc văn hóa riêng, thể hiện đặc trưng qua các phong tục, tập quán, dân ca dân vũ… Đây cũng chính là cộng đồng sáng tạo và giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Lạng Sơn.
Có thể gọi sông Kỳ Cùng là “dòng sông di sản” bởi không chỉ biết đến qua thơ ca, là dòng sông chảy ngược gắn liền với lịch sử, vùng đất, con người Lạng Sơn, mà đây còn là nguồn tài nguyên văn hóa quý giá, tạo ưu thế giúp Lạng Sơn khai thác, phát triển du lịch.
“Sông Kỳ Cùng được coi là dòng sông “bản mệnh” của Lạng Sơn, không chỉ mang trong mình những ý nghĩa quan trọng về lịch sử, kinh tế, xã hội, nó còn được ví như dòng sông di sản bởi gắn với nhiều di tích, lễ hội độc đáo. Hình ảnh con sông Kỳ Cùng không chỉ có ý nghĩa trong việc tạo không gian, cảnh quan cho phát triển đô thị hiện đại mà còn mang ý nghĩa văn hóa, thực sự là một hình ảnh đem lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách, khiến ai đến Lạng Sơn cũng đều háo hức, muốn dừng chân ghé thăm những địa danh gắn liền với dòng sông này. Đây chính là tiềm năng rất lớn để Lạng Sơn khai thác, phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm trên sông.
Vì vậy, nếu du lịch trên sông Kỳ Cùng được quan tâm, phát triển thì sẽ đóng góp rất lớn cho kinh tế – xã hội của tỉnh. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đầu tư đồng bộ, bài bản từ cơ sở vật chất và các yếu tố phụ trợ của từng điểm dừng chân, vấn đề nhân lực phục vụ cho loại hình du lịch này… Đặc biệt, cần tạo ra các sản phẩm du lịch, tuyến tham quan gắn dòng sông di sản này với các di tích hai bên bờ sông, để dòng sông tự kể câu chuyện văn hóa của mình”.
Tiến sỹ Đinh Đức Tiến, Khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Biến lợi thế thành tài nguyên du lịch
Với những tiềm năng, lợi thế như vậy, việc khai thác, phát huy dòng sông di sản này vào phát triển du lịch đã được tỉnh quan tâm, chú trọng.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Nhận thức rõ vai trò, tiềm năng của hệ thống di sản văn hóa dọc hai bên sông Kỳ Cùng, trong những năm qua, ngành văn hóa và chính quyền các cấp trong tỉnh bước đầu đã và đang có một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ven sông Kỳ Cùng như: tham mưu lập và thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ; bảo quản tu bổ, phục hồi một số di tích: đền Kỳ Cùng, đền Cửa Đông, đền Cửa Tây, đình Vằng Khắc, đền Mẫu Thoải… gắn với việc duy trì các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa tâm linh tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với cộng đồng, Sở VHTTDL đang tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể và thành lập các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa tại các địa bàn ven sông kỳ Cùng. Cụ thể, năm 2023, sở đã mở 10 lớp truyền dạy các làn điệu dân ca: Then, Sli, Lượn và các điệu múa sư tử mèo cũng như nghề thêu, dệt truyền thống tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định… Theo đó, các câu lạc bộ được đầu tư trang phục, dụng cụ phục vụ sinh hoạt và biểu diễn với tổng chi phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, ngành VHTTDL đã lồng ghép, đẩy mạnh một số hoạt động trong Tuần VHTTDL, đề án bảo tồn, phát huy giá trị hoa đào… và một số hoạt động khác dọc sông Kỳ Cùng như: tổ chức đua bè mảng gắn với lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ, trồng hoa đào tại một số điểm ven sông Kỳ Cùng và hiện đang tham mưu, nghiên cứu thực hiện ý tưởng phục dựng hoặc minh họa bằng công nghệ nghi thức sứ bộ hai nước Việt – Trung qua bến đá, đền Kỳ Cùng… cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh.
Tiêu biểu, tại sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân năm 2024, Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức triển lãm chuyên đề với tên gọi “Nghe dòng sông Kỳ Cùng kể chuyện”. Đây là triển lãm nói về các nét đẹp di sản văn hoá tại các huyện, thành phố dọc 2 bên bờ sông Kỳ Cùng. Ông Nguyễn Gia Quyền, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh cho biết: Triển lãm sẽ tập trung khắc họa những nét đẹp trong di sản văn hoá vật thể và phi vật thể các dân tộc sinh sống ven sông Kỳ Cùng. Trong đó, chúng tôi sẽ bố trí một số không gian văn hoá tiêu biểu của các dân tộc để du khách chụp ảnh với nhiều mô hình đặc sắc như: nhà trình tường, nhà sàn, con đường thổ cẩm, đồi cỏ… Đến nay, chúng tôi đã hoàn tất công tác xây dựng đề cương, ma két, lựa chọn hiện vật và lên đai trưng bày cho các hiện vật…
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn nói chung và khu vực ven sông Kỳ Cùng nói riêng có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định bản sắc văn hóa mảnh đất và con người Xứ Lạng hiện đại, là nguồn lực quan trọng trong sự phát triển du lịch của tỉnh. Tin tưởng rằng cùng với sự phối hợp giữa các cấp, ngành, sự đồng lòng của người dân sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, giá trị di sản trên địa bàn tỉnh, là động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần hình thành nên nhiều sản phẩm văn hóa – du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn và tăng cường hiệu quả quảng bá hình ảnh vẻ đẹp về mảnh đất và con người Lạng Sơn đến du khách thập phương.
Hoàng Hiếu - Tuyết Mai