Công tác bảo vệ môi trường tại TP. Vũng Tàu: Còn nhiều lỗ hổng

Cập nhật: 13/10/2009
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tiến hành giám sát công tác bảo vệ môi trường tại TP. Vũng Tàu. Kết quả giám sát cho thấy, tình trạng chất thải của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa qua xử lý vẫn xả trực tiếp ra môi trường.
 

Đụng đâu ô nhiễm đó

Cho dù công tác môi trường được TP. Vũng Tàu quan tâm thực hiện nhưng vẫn chưa giải quyết vấn nạn ô nhiễm. Theo báo cáo của UBND TP.Vũng Tàu, tình trạng vi phạm về môi trường đang diễn ra khá “nóng” không chỉ ở các khu du lịch, các cơ sở chế biến hải sản mà cả ở các khu dân cư và nơi ghe, tàu đánh bắt cá neo đậu trên vùng biển TP. Vũng Tàu. Trong khi đó, cả 5 trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt của TP. Vũng Tàu đều đã bị HĐND tỉnh yêu cầu xóa bỏ. Và dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải cũng đã bị hủy bỏ do tiến độ triển khai chậm (sau gần 4 năm có quyết định triển khai, dự án này mới chỉ hoàn tất 2 hạng mục công trình là san lấp mặt bằng và xây tường rào).

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu cho biết, trong đợt kiểm tra gần đây tại 23 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống ven biển (từ khu du lịch Chí Linh, phường 10 đến Sao Mai, phường 5) về công tác môi trường, UBND TP. Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 cơ sở với tổng số tiền phạt lên đến 91,5 triệu đồng, trong đó có cơ sở bị xử phạt ở mức 27 triệu đồng. Ông Đức cho biết, lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở được kiểm tra là chưa lập thủ tục hành chính về môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép trực tiếp xuống biển. UBND TP. Vũng Tàu đã yêu cầu các cơ sở đình chỉ ngay việc xả thải trực tiếp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đạt quy chuẩn trước khi xả thải vào hệ thống thu gom nước thải đô thị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cơ sở dọc bờ biển vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy chuẩn và việc tạm ngưng xả thải để khắc phục hầu như chưa được thực hiện.

Trên địa bàn TP.Vũng Tàu hiện có hơn 760 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (không tính các cơ sở thuộc khu công nghiệp Đông Xuyên) phải thực hiện đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường. Trong số này mới chỉ có 463 cơ sở được cấp giấy xác nhận và lập hồ sơ quản lý về bảo vệ môi trường.

Cũng trong đợt giám sát của HĐND tỉnh, TP. Vũng Tàu đang tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 78 cơ sở chế biến hải sản trên toàn địa bàn. Trong số này, TP. Vũng Tàu đã kiểm tra được 40 cơ sở và ghi nhận ban đầu cho thấy, hầu hết các cơ sở chưa nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. 14 cơ sở chế biến hải sản bị phát hiện xử lý nước thải chưa đạt quy chuẩn, hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường, không có hệ thống xử lý theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Hồng Xinh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, cử tri TP. Vũng Tàu phản ánh khá nhiều vấn đề xung quanh môi trường ven bờ biển, trong khu dân cư và trên đường phố như: Tình trạng các xe chở cá làm chảy nước trên đường bốc mùi hôi hám, mất vệ sinh; xe chở vật liệu làm rơi vãi trên đường phố; xe thu gom rác sinh hoạt tại khu dân cư còn thô sơ, không nắp đậy, không bảo đảm yêu cầu về môi trường, tạo nên hình ảnh xấu cho cảnh quan đô thị và ảnh hưởng đến môi trường…

Ông Bùi Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐND TP.Vũng Tàu còn cho biết, lượng rác thải có thể được coi là độc hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường phát sinh từ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp như chế biến gỗ, hàn xì, sơn, sửa chữa xe máy, cơ khí… xen lẫn trong khu dân cư vẫn chưa được xử lý. Chưa kể, ở các vùng biển thuộc TP. Vũng Tàu thường xuyên có từ 250 đến 300 chiếc ghe, tàu neo đậu, cao điểm lên đến 1.300 chiếc, toàn bộ rác thải ở các ghe, tàu này đều xả thẳng xuống biển, không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường biển. Tuy vậy, nhưng TP. Vũng Tàu vẫn chưa tìm được biện pháp xử lý triệt để. Ô nhiễm môi trường còn phát sinh do tình trạng xả rác bừa bãi của người dân, hễ ở đâu đất trống thì ở đó bị biến thành bãi rác…

Trước đó, kết quả thanh kiểm tra về môi trường tại 10 cơ sở kinh doanh du lịch có quy mô lớn đóng trên địa bàn TP. Vũng Tàu cũng cho thấy, các cơ sở này đều vi phạm về bảo vệ môi trường. Việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt chưa được thực hiện nghiêm túc ở một số cơ sở, chẳng hạn như, tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải của Khách sạn Sammy đã hư hỏng, không vận hành và nước thải không được xử lý trước khi thải. Các cơ sở hầu hết không xử lý nước thải trước khi xả thải bằng hình thức tự thấm hoặc xả thẳng ra biển.

Cần đầu tư cho quy hoạch môi trường

Bà Vũ Thị Thêu, Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho rằng, để tạo được môi trường xanh, sạch, đẹp cho TP.Vũng Tàu, ngay cả các trạm trung chuyển rác trên địa bàn cũng nên được “xoá sổ”. Nên chăng, học kinh nghiệm ở TX. Bà Rịa là không thực hiện khâu trung chuyển rác mà thu gom và tập kết trực tiếp đến bãi chôn lấp rác xã ở Tóc Tiên, huyện Tân Thành? Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công ty Công trình Đô thị TP.Vũng Tàu, để xoá bỏ khâu trung chuyển rác sẽ phải đầu tư rất tốn kém và khó khăn trong vấn đề thu gom, vận chuyển. Bình quân mỗi ngày TP.Vũng Tàu có lượng rác thải lên đến 250 tấn, cao điểm lên đến 500, 600 tấn, chủ yếu là rác thải sinh hoạt và xây dựng. Lượng rác thải phải thu gom từ các khu dân cư cũng rất lớn, trong khi địa bàn đô thị có nhiều khu dân cư, nhiều ngõ ngách, đường hẻm, xe chuyên dụng không thể tiếp cận đến từng hộ gia đình. Ông Bùi Thanh Nghĩa thì cho rằng, cần có sự đầu tư lớn và quy hoạch một cách bài bản mới giải được “bài toán” môi trường cho TP.Vũng Tàu. Ngay cả việc ghe, tàu neo đậu trong khu vực biển cũng cần được tập trung về một chỗ ở Bến Đình như quy hoạch trước đây. Có như vậy mới có thể quản lý được nguồn rác thải, bảo đảm môi trường ven biển. Các cơ sở chế biến hải sản và tiểu thủ công nghiệp cũng cần được đưa ra khỏi khu vực dân cư, không để tình trạng “xen kẽ” như hiện nay… Ông Vương Quang Cần, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, tình trạng các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ ở ven biển vẫn chưa nghiêm túc đầu tư cho việc xử lý chất thải. Địa phương tiến hành kiểm tra và xử phạt nhưng chỉ ở mức độ giới hạn, chưa đủ mạnh để các cơ sở chịu khắc phục. Tỉnh cần có chủ trương mạnh tay hơn để buộc các cơ sở này phải thực hiện nghiêm túc trong công tác bảo vệ môi trường, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần có thể bị đóng cửa để răn đe các cơ sở khác.

Ngoài ra, các dự án quy hoạch tập trung cho cơ sở chế biến hải sản, khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng cần được xúc tiến nhanh, chỉ khi di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi cộng đồng dân cư mới mong giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường…Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường, TP. Vũng Tàu cho rằng: Công tác bảo vệ môi trường là một lĩnh vực lớn và còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, thực hiện. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ làm công tác môi trường ở TP.Vũng Tàu hiện chỉ có 4 người. Lực lượng này còn phải chịu trách nhiệm các lĩnh vực khác như khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển và những nhiệm vụ mới được giao cho ngành tài nguyên môi trường. Lực lượng nhân sự mỏng là một trong những khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường của địa phương.      

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường