Ngày 5/2, tại Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tổ chức chương trình trải nghiệm “Không gian văn hóa Khê Cốc” - nơi tái hiện sinh hoạt cộng đồng của cư dân cổ Tràng An.
Không gian văn hóa tại đảo Khê Cốc, Ninh Bình. (Ảnh: Yến Trinh)
Tới dự, có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 10 năm Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; đồng thời, quảng bá hình ảnh, các giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan, địa chất, địa mạo và văn hóa của Quần thể danh thắng Tràng An, tiến tới mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Tại chương trình, các đại biểu tham quan, trải nghiệm không gian trưng bày, tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt văn hóa của cư dân thời tiền sử sau biển thoái, khi môi trường tự nhiên ở bãi bồi thung lũng ven khe suối tạo điều kiện thuận lợi cho con người bước đầu định cư, khai thác và sáng tạo nên các hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, đan xen giữa hình thái cư trú thung khe và trú ẩn hang động, giữa sản xuất ban đầu và khai thác tự nhiên.
Trong sự biến cải khắc nghiệt và dữ dội của cảnh quan, người tiền sử nơi đây vẫn thích ứng, phát triển, hun đúc, bồi đắp và tạo nên các giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu. Con người đã tham gia định hình nên cảnh quan, môi trường chung quanh Tràng An, và ngược lại, môi trường cũng đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống sản xuất, cư trú và sáng tạo văn hóa của con người, trong đó có kiểu định cư ban đầu và sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các bãi bồi thung lũng, cạnh khe suối, gần với hang động là đặc trưng nổi bật.
Tràng An từng bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần. Biến đổi địa hình, địa chất, địa mạo trong một thời kỳ dài hàng triệu triệu năm đã tạo hình nên tuyệt phẩm kiến trúc - cảnh quan thiên nhiên "sơn kỳ, thủy tú, động tiên".
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, việc phục dựng và tái hiện thực cảnh sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An tại đảo Khê Cốc nhằm cung cấp cho du khách một góc nhìn thực cảnh sinh động về cuộc sống của con người trong quá khứ; đồng thời, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu, trân trọng những bài học lịch sử quý báu để luôn biết bảo vệ môi trường sống, tổ chức đời sống con người hài hòa với tự nhiên, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu ngày nay.
Sở Du lịch kỳ vọng, thời gian tới, khi đảo Khê Cốc được hoàn thiện đi vào hoạt động sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn mang đậm hàm lượng về văn hóa của vùng đất kinh kỳ xưa, mà đi ngược xa hơn về quá khứ là thời kỳ tiền sử cho đến các giai đoạn hình thành kinh đô Nhà nước Đại Cồ Việt.
Các đại biểu tham quan, trải nghiệm không gian trưng bày, tái hiện lại cuộc sống của cộng đồng dân cư cổ Tràng An trên đảo Khê Cốc. (Ảnh: Yến Trinh)
Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ, lưu giữ truyền thống cư trú của người tiền sử. (Ảnh: Yến Trinh)
Câu chuyện văn hóa tiền sử ở Tràng An là hình ảnh thu nhỏ của quá trình toàn cầu về ứng phó của con người đối với biển tiến sau thời kỳ băng hà trong khu vực này, tới mức độ nó có thể được coi là mô hình so sánh với các địa điểm khác trong khu vực cùng chịu các tác động này. (Ảnh: Yến Trinh)
Lúa Trường Trinh