Thật hiếm có di tích nào được như Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Trải qua ngót 600 năm với nhiều biến động, dân cư và đô thị vây quanh, nhưng đến nay di tích Lam Kinh vẫn được bao bọc, che phủ bởi rừng nguyên sinh. Rừng Lam Kinh không còn là rừng đơn thuần, mà là rừng thiêng - nơi Anh hùng dân tộc Lê Lợi dấy nghĩa, nơi ẩn chứa những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tâm linh.
Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh mang vẻ đẹp cổ kính, huyền bí nhờ được bao bọc, che phủ bởi rừng nguyên sinh
Rừng Lam Kinh thuộc địa bàn xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân) và xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Theo sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, tằng tổ của vua Lê Lợi là cụ Lê Hối ngao du thiên hạ, khi đến núi Lam Sơn thấy đàn chim bay lượn dưới chân núi như đám người đang tụ hội, biết đây là đất lành nên dời nhà về ở, sau 3 năm thì thành sản nghiệp. “Từ đấy, đời đời là hùng trưởng cả một phương. Vua (Lê Lợi) về sau dựng cờ mở nước, thực cũng bắt đầu từ nền tảng này”.
Toàn bộ khu di tích Lam Kinh rộng hơn 200 ha, trong đó các di tích đều được ôm trọn, bao bọc bởi rừng. Riêng diện tích rừng cổ Lam Kinh còn giữ được khoảng gần 100 ha. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm”. Đất Lam Kinh màu mỡ, khí hậu vùng Lam Kinh rất đặc biệt. Ngay mùa hè, khi các vùng xung quanh khô hạn thì cứ vài ngày, vào buổi chiều, Lam Kinh lại có mưa. Chính vì thế, rừng Lam Kinh khi nào cũng tươi tốt, có sinh khí.
Ngày xuân, đi dưới tán rừng Lam Kinh mới cảm nhận được ý nghĩa của rừng. Rừng cổ này chính là nơi nuôi giấu nghĩa quân, bảo vệ chủ tướng Lê Lợi. Rừng đã bày nên thế trận giúp Lê Lợi thực hiện chiến thuật lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh.
Sách Lam Sơn thực lục chép: Một lần Lê Lợi và Lê Liễu bị giặc Minh truy đuổi bèn trốn vào trong một gốc cây đa. Giặc đến, chọc mũi giáo vào và trúng đùi trái Lê Liễu. Lê Liễu liền lấy một nắm cát vuốt sạch máu ở mũi giáo. Đúng lúc đó, bỗng có một con chồn trắng từ trong hốc cây lao ra, chó ngao liền lao theo đuổi chồn. Nhờ thế mà giặc không còn nghi ngờ có người trong hốc cây và bỏ đi. Về sau, khi lên làm vua, Lê Lợi phong cho cây đa làm Hộ Quốc Đại vương.
Theo khảo sát chưa đầy đủ, rừng Lam Kinh có khoảng 300-400 loài thực vật, trong đó có 70 loài gỗ quý như: lim, lát, dổi, de, vù hương,…; các loài cây cổ như: đa, sanh, sui, duối, xoài đất… Hiện rừng có 13 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam, như: đa, duối, lim xanh, sui, xoài đất, dổi, đại, sấu…
Ngoài thực vật, rừng có hệ thống động vật phong phú với các loài như: chồn, cáo, sóc, rùa, trăn, rắn… Riêng chim có rất nhiều, ngoài chim thường xuyên khu trú tại rừng còn các loài chim dưới biển tìm về theo mùa. Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc công nhận cây di sản chỉ mang tính chất đại diện loài, còn rừng Lam Kinh đủ điều kiện, xứng đáng là rừng di sản.
Duy Cường