Vai trò của cộng đồng địa phương và quyền của họ trong quản lý di sản thiên nhiên cần được quan tâm trong khuôn khổ pháp lý và được hỗ trợ thực hiện trong các hoạt động quản lý. Hiểu đúng và thực hiện tốt điều này sẽ góp phần bảo vệ di sản cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên tốt hơn theo những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Cần quan tâm hơn đến vai trò của cộng đồng
Đến nay, 5 trong số 8 di sản ở Việt Nam được UNESCO công nhận có người dân bản địa sinh sống trong “lòng” (Hạ Long, Huế, Hội An, Tràng An, Phong Nha Kẻ Bàng). Ngoài các khu di sản thế giới còn hàng chục vườn quốc gia, công viên địa chất, khu bảo tồn thiên nhiên có người dân sinh sống ở bên trong, thậm chí là ở vùng lõi. Chính quyền ở các di sản thế giới dạng đô thị như Hội An và Huế đã đối thoại với người dân sống trong di sản để cùng làm tốt công việc bảo vệ. Ở Hội An, chính quyền thường tổ chức các cuộc họp với các hộ dân ở khu phố cổ để thống nhất các quy ước và cùng đưa ra các quyết định cụ thể. Huế đã đầu tư lớn để di dời hơn 6.200 hộ dân khỏi khu vực bảo vệ và 19 di tích khác trong quần thể di sản Kinh thành Huế. Sau bốn năm tiến hành khẩn trương với sự đồng thuận của bà con, đến tháng 12/2023, “cuộc di dân lịch sử” ở Huế đã hoàn thành sớm 2 năm.
Nhưng ở các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, người dân bản địa thường chỉ được xem là bên có trách nhiệm bảo vệ và trong một số trường hợp là người được hưởng lợi từ các dự án hỗ trợ phát triển xã hội. Một nghiên cứu do TS Peter Bille Larsen (University of Lucerne, Switzerland - Đại học tổng hợp Luxơn, Thụy Sĩ) chủ trì về cộng đồng người Arem là cư dân bản địa tại một khu tái định cư ở phía nam Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng cho biết: Mặc dù thu nhập chung tăng lên từ khách du lịch đến Quảng Bình mỗi năm nhưng tỷ lệ đói nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong hoặc gần khu di sản thế giới vẫn rất cao.
Sự tham gia của đồng bào dân tộc trong các khu bảo tồn thiên nhiên thường chỉ dưới dạng những hợp đồng bảo vệ rừng. Những yếu tố làm nên sự đa dạng văn hóa ít được đánh giá đúng mức độ giá trị và có cách giải quyết hợp lý. Các vùng đất linh thiêng, không gian sử dụng theo truyền thống (thường rộng hơn rất nhiều so diện tích canh tác được quy định ở các khu tái định cư), các phong tục tập quán - cả những phong tục tâm linh và các cách duy trì sự sống truyền thống (săn bắt, hái lượm, canh tác), thường được coi là lạc hậu và cần thay đổi. Đa dạng văn hóa tại khu vực cũng bị đe dọa trước nguy cơ mất ngôn ngữ dân tộc, mất các tri thức bản địa vì sự mở rộng du lịch không hợp lý và những tác động tiêu cực của các dự án phát triển.
Những định hướng điều chỉnh
Vai trò của người dân địa phương, cộng đồng địa phương và quyền của họ trong quá trình quản lý các di sản thiên nhiên cần được công nhận đầy đủ trong khuôn khổ pháp lý và được hỗ trợ thực hiện trong các hoạt động quản lý. Người dân địa phương cần được tham gia và họ có thể tham gia tích cực hơn vào việc đưa ra các quyết định liên quan đến việc thụ hưởng lợi ích từ việc thiên nhiên được bảo tồn. Theo bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: Một trong các khuyến nghị được UNESCO đưa ra với các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam là: “Các cộng đồng địa phương và chính quyền cần được kết nối trong mô hình đồng quản lý và hỗ trợ quản lý di sản thông qua việc tôn trọng các thiết chế truyền thống cách thức sử dụng tài nguyên của họ. Cần cách tiếp cận dựa trên quyền với văn hóa bao gồm việc tôn trọng quyền thụ hưởng và tự do tham gia vào đời sống văn hóa mà không bị thương mại hóa”.
Đồng bào tại các di sản thiên nhiên, các khu bảo tồn cần phải được gìn giữ lối sống truyền thống và bảo đảm được những nét đặc sắc văn hóa tộc người. Các quyền về đất đai và tài nguyên theo tập quán, quyền về văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số bản địa cần được phát huy theo chuẩn mực quốc tế được UNESCO khuyến nghị. Việc bảo đảm quyền văn hóa của cộng đồng địa phương, cũng như các quyền cơ bản của họ nói chung một mặt bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng, mặt khác cũng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị của các khu di sản và khu vực được bảo vệ một cách bền vững.
Khi người dân được tham vấn về chính sách, có quyền tham gia quản lý, được chia sẻ lợi ích từ việc bảo vệ di sản thiên nhiên, họ sẽ gắn bó như một phần trong đó và sẽ gìn giữ di sản thiên nhiên là chính ngôi nhà của mình. Hiểu đúng và thực hiện tốt “quyền bản địa”, chúng ta có thể đạt “mục tiêu kép” trong khi đi đúng hướng phát triển bền vững.
Thiên Phương