Với đường bờ biển dài 250km, cùng vùng biển rộng hơn 6.000km2, Quảng Ninh là địa phương sở hữu nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển. Đi liền với đó, tỉnh cũng đối mặt với những áp lực tác động tiêu cực đến môi trường biển. Để phát triển biển bền vững, tỉnh luôn xác định việc bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục.
Các lực lượng chức năng của TP Cẩm Phả thu gom phao xốp.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển bền vững, giữ gìn môi trường biển, như: Chỉ thị 18-CT/TU (ngày 1/9/2017) về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nghị quyết 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030…
Nhằm đảm bảo an toàn cho việc nuôi lồng bè, giàn bè và bảo vệ cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên ban hành Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND về quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản. Từ ngày 1/1/2023, các cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn. Trên cơ sở đó, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong việc hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển từ phao xốp sang vật liệu nổi hợp quy chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế với 6,85 triệu phao xốp được thay thế sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường. Toàn tỉnh đã có 9/9 địa phương ven biển hoàn thành rà soát, xác định cụ thể các khu vực biển quy hoạch nuôi trồng thủy sản tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch không gian biển với tổng diện tích là 45.246ha phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Banner tuyên truyền Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”.
Nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình, các sở, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội đã có những hoạt động cụ thể bảo vệ môi trường biển. Huyện Cô Tô từ năm 2022 đã triển khai Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, tạo chuyển biến quan trọng trong gìn giữ môi trường. Cùng với việc duy trì các đợt ra quân làm sạch biển, huyện đã vận động các cơ sở lưu trú thay thế toàn bộ chai nhựa đựng nước uống bằng chai thủy tinh dùng nhiều lần, khuyến khích xây dựng tour du lịch mới có tên “tour nhặt rác”; lắp đặt camera giám sát tại một số điểm nóng về tập kết rác thải…; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích du khách không mang đồ dùng bằng nhựa lên đảo.
Trung tâm bảo tồn 2 (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) tăng cường lực lượng, phương tiện để thu gom rác, phao xốp trên Vịnh. Ảnh: Minh Đức
Với quyết tâm làm sạch môi trường Vịnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thường xuyên bố trí lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý lượng rác thải, duy trì các hoạt động giám sát định kỳ chất lượng môi trường, kịp thời báo cáo để xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, do thời tiết mù, nồm, không có gió nên rác thải, phao xốp, bè mảng trôi nổi xuất hiện trên mặt biển nhiều ngày qua, đơn vị đã tập trung nhân lực, huy động gần 20 tàu, xuồng, đò đến tất cả các luồng, tuyến tham quan, tăng cường thu gom rác trôi nổi trên mặt biển về bờ để xử lý theo quy định. Đợt tăng cường thu gom, xử lý rác, phao xốp được thực hiện đến hết tháng 3 và tiếp tục duy trì đều đặn công tác này hằng ngày nhằm đảm bảo môi trường vịnh luôn xanh - sạch - đẹp.
Thời gian qua, ở một số vùng cửa biển huyện Cô Tô, Hải Hà xuất hiện đàn cá heo, cá voi, rùa biển quý hiếm... Đây chính là minh chứng cụ thể cho thấy hệ sinh thái, cảnh quan, môi trường biển của Quảng Ninh đang ngày càng tốt lên. Với sự nỗ lực của tỉnh, cơ quan, đơn vị và nhất là người dân, môi trường biển của Quảng Ninh sẽ luôn được giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cao Quỳnh