Sở Tài nguyên & Môi trường và Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch Nghệ An đã tiến hành khoanh định vị trí tọa độ của 148 di tích, danh thắng, thống kê theo địa danh 985 điểm di tích, danh thắng nằm trong khu đất đai, khu đô thị cấm hoạt động khai thác khoáng sản.
Riêng đối với khu vực Khu di tích lịch sử Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn huyện Đô Lương và khu vực núi Đại Huệ - mộ bà Hoàng Thị Loan thuộc huyện Nam Đàn và Nghi Lộc không được hoạt động khoáng sản trên diện tích đã được quy hoạch và vành đai cảnh quan cần được bảo vệ.
Ngoài ra, địa điểm hang Thẩm Cúng, bản Quang Yên, xã Tam Đình, huyện Tương Dương thuộc núi đá cao nhất vùng cũng cần được bảo vệ.
Theo thống kê, Nghệ An hiện có trên 1.000 di tích lịch sử văn hoá, di tích khảo cổ học, di tích danh lam thắng cảnh, lưu niệm danh nhân…, trong đó đã có 87 di tích danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, 28 di tích danh thắng xếp hạng cấp tỉnh cần được bảo vệ kịp thời trước sự xâm hại nghiêm trọng do hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra trong thời gian qua.
Từ nay, các hồ sơ xin phép hoạt động khoáng sản nếu không thuộc khu vực cấm thì không phải lấy ý kiến của Sở Văn hoá Thể thao&Du lịch.
Tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo, Sở Văn hoá Thể thao&Du lịch, UBND các huyện, thành, thị, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản có ảnh hưởng đến lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch; nếu phát hiện mới các khu vực di tích danh thắng cần bảo vệ phải báo cáo với UBND tỉnh.