Phú Yên được mệnh danh là “xứ hoa vàng cỏ xanh” và cũng là vùng đất giàu trầm tích về di sản, thắng cảnh. Từ lợi thế trên, trong Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, du lịch là một trong bốn trụ cột quan trọng để xây dựng, phát triển tỉnh Phú Yên đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Phát triển du lịch Phú Yên dựa trên đặc trưng khác biệt
Trong xây dựng Quy hoạch quan điểm chung của tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quan điểm về phát triển du lịch nói riêng, điều tiên quyết là phải đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương, định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và của ngành.
Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa ở Phú Yên
Phú Yên phát triển dựa trên đặc trưng khác biệt của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để tạo nền tảng bứt phá, ưu tiên; đánh giá phân tích những đặc trưng khác biệt, tìm ra những lợi thế tự nhiên và văn hóa của tỉnh so với các tỉnh khác trong vùng duyên hải Trung Bộ. Phát triển đột phá kinh tế biển, du lịch biển; tạo môi trường sống an toàn, nhân văn, coi trọng quản lý xã hội và mở rộng dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản truyền thống, lịch sử...
Tỉnh Phú Yên cũng xác định lấy yếu tố phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội làm nền tảng, không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế trước mắt. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành riêng Chương trình hành động 08-CTr/TU, ngày 18/8/2021 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.
Tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện; là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Hướng đến đô thị ven biển hút khách du lịch
Trong Quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc; trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước.
Mục tiêu cụ thể đối với ngành du lịch Phú Yên đến năm 2030, đón 7 triệu lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế, đóng góp GRDP của ngành du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 15%.
Phú Yên đón những vị khách đầu năm mới 2024 đến với danh thắng quốc gia Mũi Điện
Quy hoạch cũng đề ra phương hướng phát triển thương mại - dịch vụ, trong đó có du lịch của tỉnh là: Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt, cùng với du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh lam thắng cảnh...
Trước mắt, thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Bên cạnh đó, triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa để trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ và cả nước.
Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có trên 430 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 7.400 buồng. Từ nay đến năm 2030, ngành du lịch tỉnh Phú Yên tập trung xây dựng và phát triển các khu du lịch trọng điểm ở các huyện Tuy An, Sơn Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa… Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các khu chức năng dịch vụ tổng hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao, trong đó dự kiến thu hút đầu tư khoảng 3-4 sân golf tại một số vị trí thuận lợi trên địa bàn tỉnh.
Tháp Nhạn, di tích quốc gia đặc biệt nằm giữa lòng TP Tuy Hòa là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên, để đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển du lịch, tỉnh cần ưu tiên đầu tư ngành du lịch và các dự án hạ tầng gắn với phát triển du lịch; triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đó là: Tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đầu tư và thu hút đầu tư các dự án tôn tạo các danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch; tổ chức lập quy hoạch và quản lý hiệu quả quy hoạch ở các phân khu, quy hoạch chi tiết tại một số khu vực trọng điểm, các khu di tích, danh thắng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, tỉnh cần ưu tiên thu hút đầu tư hình thành một số khu du lịch tạo điểm nhấn của Phú Yên mang tầm quốc gia và quốc tế. Cùng với đó, tăng cường đầu tư hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch, đi vào hiệu quả. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành du lịch.
Phan Hiếu